Giám sát cần thiết thực, cụ thể, tập trung giải quyết bức xúc

Cập nhật: 08/03/2023

VOV.VN - Hôm nay (7/3), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo thực hiện Đề án 06 ngày 20/8/2021 về “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030”.

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân

Theo báo cáo, công tác giám sát và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của TP.HCM tổ chức thực hiện đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Các chương trình, kế hoạch giám sát được thực hiện đúng quy trình, quy định; xác định cụ thể nội dung và đối tượng giám sát; lựa chọn hình thức, phương pháp giám sát phù hợp, thuận lợi, hạn chế trùng lắp, không gây phiền hà.

Công tác giám sát cán bộ, công chức, đảng viên đã góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Việc phối hợp tổ chức các hội nghị nhân dân cấp quận, phường, đối thoại giữa người đứng đầu UBND với Nhân dân được thực hiện thường xuyên, bài bản, tập trung vào nội dung, lĩnh vực mà người dân đang bức xúc; từ đó, nhiều nội dung, sự việc được giải quyết kịp thời, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Tham dự hội nghị, ông Huỳnh Văn Bé, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Tân Bình cho biết, do số lượng dân nhập cư, công nhân lao động cư trú, tạm trú trên địa bàn rất nhiều nên quận đã thực hiện mô hình hỗ trợ và trợ giúp pháp lý thông qua “Ki-ốt thông tin trợ giúp nhân dân và người lao động”. Các Chi hội luật gia, Luật sư tham gia hỗ trợ, giải đáp, giải thích những thắc mắc về pháp luật cho người dân. Từ sự hiểu biết, nắm vững về luật đã giúp nâng cao hiệu quả giám sát của nhân dân.

“Việc thực hiện giám sát của người dân đối với cán bộ công chức cũng như các tổ chức hoạt động của chính quyền được người dân rất quan tâm. Trong việc xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, các vấn đề triển khai kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm cũng như các hoạt động, các nhiệm vụ mà cán bộ, công chức thực thi. Qua việc giám sát đó cũng góp sức cho việc xây dựng chính quyền phường, xã ngày càng tốt hơn”, ông Huỳnh Văn Bé nhấn mạnh.

Theo bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Đề án số 06 góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy trong việc lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Qua đó hàng năm triển khai thực hiện chương trình công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí, vận động Nhân dân tích cực tham gia nhằm làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quản lý cán bộ, công chức, đảng viên hiệu quả hơn, kịp thời giáo dục, xử lý khi có sai phạm. Việc phát huy vai trò của Nhân dân và Ban công tác Mặt trận tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư luôn được chú trọng.

Bà Phan Kiều Thanh Hương cho biết: “Để thực hiện tốt vai trò của nhân dân trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội thì có tổ chức hội nghị nhân dân cấp quận, phường, tạo một kênh giúp người dân lên tiếng nói, mà các cấp phải quan tâm. Từ những ý kiến đó, những vấn đề nào chưa được giải quyết kịp thời của cấp ủy, của chính quyền địa phương thì hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tiến hành giám sát. Trong năm 2022, đã giám sát được cấp ủy cũng như các cơ quan tham mưu của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với những vấn đề mà nhân dân quan tâm, từ đó thông báo kết quả giám sát và địa phương phải khắc phục”.

Cần bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ giám sát

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung sắp tới, đó là tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đổi mới nội dung, phương thức giám sát theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của mỗi cấp, mỗi địa phương; chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào việc thực hiện 51 chương trình, đề án liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Ông Nguyễn Hồ Hải cũng nhìn nhận công tác giám sát thời gian qua có lúc có nơi chưa thiết thực, cụ thể: “Thực sự đây cũng là vấn đề khó,  vì cán bộ mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội chưa được đào tạo, bồi dưỡng về công tác giám sát, phải vừa làm vừa học. Cho nên ngoài việc anh em tự tích lũy kinh nghiệm thì phải có thêm bồi dưỡng chuyên đề. Việc chọn nội dung có nhiều nơi chưa thiết thực, cụ thể vào những bức xúc của nhân dân hay là những lĩnh vực dễ phát sinh vấn đề phức tạp”.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho rằng, thông qua giám sát là để kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế và chấn chỉnh kịp thời. Cái chính vẫn là sự nỗ lực của mỗi cán bộ, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và những nội dung giám sát phải bám sát với đặc điểm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, chọn được những vấn đề gây bức xúc, cần được khắc phục sớm ngay từ đầu./.

Từ khóa: Thành ủy TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Chỉ thị số 13, kinh tế xã hội TP.HCM, đề án 06

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập