Giảm giá thịt lợn là trách nhiệm về kinh tế và đạo đức với người dân
Cập nhật: 30/03/2020
Hướng dẫn việc điều chỉnh thiết kế dải phân cách giữa các dự án đường bộ cao tốc
Thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất
VOV.VN -PTT cho rằng, giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa bảo đảm đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngày 30/3, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi tại cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao các bộ, ngành, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đóng góp các ý kiến sâu sắc và trách nhiệm. Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, đại dịch Covid 19 đã lây nhiễm ở hầu hết các nước trên thế giới. Phó Thủ tướng khẳng định, đất nước còn nhiều khó khăn, nên việc chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng với Chính phủ là rất quan trọng. Việc giá thịt lợn cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân khi dịch bệnh xảy ra. Trong lúc phải nghỉ việc, ít việc, thu nhập thấp do dịch bệnh lại phải chi tiêu cao sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân. Mặt khác, giá thịt lợn ở mức cao sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp cần tăng nguồn cung thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời có kế hoạch kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi nói chung trong đó chăn nuôi lợn phải tăng mạnh đàn lợn thời gian tới, trước mắt, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, phải đảm bảo nguồn cung nhưng không làm cho cung quá tăng so với cầu trong giai đoạn trung hạn, dài hạn, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp chăn nuôi và người dân căn cứ vào đó, để có kế hoạch, chiến lược phát triển mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương. Tăng cường kiểm soát giá của chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường vấn đề này là trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp và người chăn nuôi cần tập trung hơn nữa.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, không để tình trạng thiếu thực phẩm, gây tâm lý hoang mang, hỗn loạn thị trường. Đồng thời tăng cường kiểm soát giá, đặc biệt là chi phí trung gian và xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao.
Cũng tại buổi làm việc, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thống nhất và đồng tình cam kết cùng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giảm giá thịt lợn hơi xuống mức 70.000 đồng vào ngày 1/4 tới đây.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam cho biết: từ 15/2 đến nay, công ty đã giảm giá lợn hơi từ 78.000 đồng xuống mức 75.000 đồng/kg. Ông Vũ Anh Tuấn nêu ý kiến, lợn công ty bán ở giá 75.000 đồng/kg ra ngoài thị trường có thể vẫn ở mức 82.000 đến 85.000 đồng/kg thì người tiêu dùng thì không được hưởng lợi gì, mà chủ yếu các khâu trung gian được hưởng lợi. Trong cuộc họp này, ông Vũ Anh Tuấn mong muốn được chia sẻ và đồng hành với Chính phủ và kêu gọi của Bộ Nông nghiệp về giảm giá heo và cũng mong muốn là các doanh nghiệp ngồi đây, chúng ta cùng đưa mức giá về 70 nghìn một cách rõ ràng, minh bạch và trung thực trong giá bán.
Đồng tình với quan điểm này ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho rằng: Thịt lợn không chỉ là mặt hàng thiết yếu với người dân mà còn tác động rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm trình Thường vụ Quốc hội đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng dự trữ quốc gia, bình ổn giá như Luật Chăn nuôi đã quy định thì mới có đủ chế tài, thiết chế và nguồn lực kiểm soát giá. Cần xây dựng như dự trữ quốc gia đủ điều kiện dự trữ, bảo quản gia súc, gia cầm thực hiện mua vào sản phẩm an toàn thực phẩm giá thấp hoặc có dịch bệnh và bán ra thị trường khan hiếm, hoặc giá tăng cao nhằm bình ổn giá, đảm bảo an ninh thực phẩm và sức khoẻ cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc điều chỉnh giá thịt lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg là góp phần thực hiện “mục tiêu kép”. Đó là cùng chung tay bảo vệ thị trường sản xuất thịt lợn trong nước, cùng chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng, đồng thời để đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong nhóm giải pháp có 1 giải pháp là yêu cầu các 15 doanh nghiệp đại diện cho khu vực chăn nuôi lớn đồng hành chia sẻ xuống giá 70.000 đồng 1kg hơi tại cơ sở chăn nuôi của mình./.
Từ khóa: giá thịt lợn tăng, dịch covid-19, covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN