Giảm 64 đơn vị hành chính cấp xã, huyện tại 9 tỉnh sau khi sắp xếp lại

Cập nhật: 07/01/2020

VOV.VN - Sau khi thực hiện sắp xếp lại đã giảm được tổng số 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 60 đơn vị hành chính cấp xã tại 9 tỉnh.

Sáng nay (4/1), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 25 để thẩm tra tờ trình và đề án của Chính phủ về việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

giam 64 don vi hanh chinh cap xa, huyen tai 9 tinh sau khi sap xep lai hinh 1
Một góc của Trung Tâm Hành Chính - Thành phố mới Bình Dương.

Tại phiên họp, các đại biểu nghe báo cáo Tờ trình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 9 tỉnh bao gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương và Tây Ninh.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, sự quyết tâm chính trị, nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính. Sau khi thực hiện sắp xếp lại 9 tỉnh này, đã giảm được tổng số 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 60 đơn vị hành chính cấp xã.Tuy nhiên, có một số ý kiến các đại biểu băn khoăn với việc chưa sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021 ở các địa phương này.

Một số ý kiến đề nghị, cần quan tâm quá trình nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính ở nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị, khi số lượng dân và diện tích các đơn vị hành chính đô thị tăng lên, song giảm tiêu chí về chất lượng đô thị. Đồng thời, tăng cường quản lý đất đai tại các đơn vị hành chính được sáp nhập và nâng cấp lên đô thị, tránh xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất tự phát ồ ạt, gây phá vỡ không gian và cảnh quan…

Đối với việc sáp nhập đơn vị hành chính xã, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum cho biết, mặc dù sáp nhập 2 đến 3 xã thành một xã nhưng vẫn không đạt tiêu chí về diện tích và dân số, đặc biệt ở tỉnh miền núi. Do đó, cần xem xét và nghiên cứu thêm trong giai đoạn tới.

Về việc giải thể 3 xã ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, xem xét nâng cấp thị xã Ngã Bẩy, tỉnh Hậu Giang lên thành phố, các đại biểu cho là phù hợp với chủ trương của Đảng, đồng thời đề nghị sắp xếp lại cán bộ tại các xã bị giải thể. Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về việc điều chỉnh địa giới, vấn đề sáp nhập, đổi tên đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện có gây xáo trộn gì cơ sở vật chất, sắp xếp các đơn vị và đội ngũ cán bộ.

Đối với việc tách hoặc nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, đại biểu Phạm Văn Hòa, tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến: “Các đơn vị đã thành lập trong thời điểm này mà sau này nhập nữa thì tôi đề nghị nếu không làm luôn thì để lại, sau năm 2021 sẽ tiến hành nhập lại. Không thể nào hiện nay đã nhập, một hai năm sau lại tiến hành nhập tiếp. Không thể nào mới nhập, mới thông qua Hội đồng nhân dân, ý kiến người dân, hai ba năm sau tiến hành nhập thêm nữa cũng là đơn vị này thì tôi cho rằng không hợp lý”.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh như trong các Đề án cũng như các ý kiến giải trình bổ sung của Chính phủ và các địa phương; đồng thời nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và xem xét quyết định./.

Từ khóa: đơn vị hành chính cấp xã, huyện, sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập