Giải quyết dứt điểm các vấn đề nợ đọng của HTX kiểu cũ
Cập nhật: 25/09/2019
Cả nước đã có hơn 14.700 HTX và hơn 50% trong số này hiện đang hoạt động hiệu quả. HTX kiểu mới không triệt tiêu kinh tế hộ mà lấy kinh tế hộ để tăng trưởng.
“Cần sớm đánh giá để xây dựng cơ chế, chính sách và dự toán kinh phí trong đầu tư công trung hạn để triển khai kịp thời ngay khi bắt đầu giai đoạn 2021-2025”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi chủ trì họp để chuẩn bị tổng kết nhiều Nghị quyết của Trung ương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP. |
Sáng ngày 15/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Thường trực của các Ban chỉ đạo liên quan chuẩn bị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Trung ương về kinh tế tập thể, sơ kết 5 năm Nghị quyết số 30-NQ/TW của Trung ương và Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp và tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.
Đây là các nội dung quan trọng trong năm nay mà theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ giúp Trung ương, Chính phủ đúc kết được những thành tựu, hạn chế trong triển khai thời gian qua và hoạch định chính sách trong giai đoạn tới nhằm phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Trung ương về kinh tế tập thể, sơ kết 5 năm Nghị quyết số 30-NQ/TW của Trung ương ngày 12/3/2014 và Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp.
Cùng với đó, Chính phủ cũng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định vào cuối năm nay. Chương trình này là giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT cho biết, tới nay, nhiều địa phương đã hoàn thành tổng kết các Nghị quyết, Chương trình này của Trung ương và Chính phủ. Các bộ này cũng đang tiến hành thực hiện tổng kết theo khu vực hay theo các nội dung thành phần của kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới và sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp để hướng tới tổng kết trên cả nước.
Phó Thủ tướng cho biết 3 nội dung này có ý nghĩa riêng biệt nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và khu vực nông thôn, miền núi. Việc tổng kết các nội dung sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng văn kiện trình Trung ương và Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cả nước sẽ vượt 50% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay, hoàn thành trước 1 năm so với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng XII.
“Chính phủ chủ động tổng kết 10 năm triển khai Chương trình và tổng kết sớm việc thực hiện từ 2016-2020 để cả nước đạt kết quả cao hơn nữa trong năm 2020 và quan trọng hơn là xây dựng khung khổ chính sách cho xây dựng nông thôn mới sau năm 2020 và chắt lọc nội dung đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và các cấp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.
Phó Thủ tướng cũng liệt kê ra nhiều điểm mới trong xây dựng nông thôn mới cần tổng kết kỹ là xuất hiện mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, chương trình mỗi xã một sản phẩm trở thành động lực của xây dựng nông thôn mới, cơ chế tạo nguồn lực đã giúp các xã giảm mạnh nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng vẫn giữ được sự phát triển của Chương trình.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ mới cần nghiên cứu, bổ sung xây dựng chính sách trong bảo vệ môi trường - xử lý rác thải và chất thải, cấp nước sạch, gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị hoá, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới...
Về tổng kết 15 năm kinh tế tập thể, kể từ Hội nghị Trung ương 5 khoá IX tới nay, Bộ Chính trị đã ban hành 2 Chỉ thị về triển khai thực hiện, trong đó đánh giá sơ kết cách đây 10 năm nêu rõ kinh tế tập thể “chưa thoát ra khỏi tình trạng yếu kém kéo dài”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tình hình giờ đã khác khi trên 50% tổng số HTX hoạt động hiệu quả và cả nước đã có hơn 14.700 HTX (mục tiêu tới năm 2020 là cả nước có 15.000 HTX).
Phó Thủ tướng nêu rõ: “Khoán 10 đi vào kinh tế hộ đã thay đổi đời sống nông thôn nhưng bây giờ vai trò của kinh tế hộ đã tới hạn, nếu chỉ dựa vào kinh tế hộ thì động lực giải phóng sức sản xuất ở nông thôn còn hạn chế và phải dựa vào HTX kiểu mới. HTX kiểu mới không triệt tiêu kinh tế hộ mà lấy kinh tế hộ để gia tăng giá trị”.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong tổng kết Nghị quyết 13-NQ/TW làm rõ mô hình, tính pháp lý và cơ chế để HTX thành lập doanh nghiệp trực thuộc, giải quyết dứt điểm các vấn đề nợ đọng của HTX kiểu cũ, cơ chế và chế độ bảo hiểm y tế cho cán bộ HTX...
Với vai trò, ý nghĩa của kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Liên minh HTX Việt Nam tiến hành xây dựng cuốn Sách trắng về HTX.
Về Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp nông lâm trường, đặt ra mục tiêu sau 5 năm thì cả nước cơ bản hoàn thành, trong đó tập trung vào 2 trọng điểm sắp xếp công ty nông lâm trường gắn với sắp xếp, rà soát đất đai, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và tính phù hợp, hiệu quả của mô hình công ty lâm nghiệp TNHH 2 thành viên đang có tín hiệu tích cực nhưng cũng vướng mắc khi giải quyết vấn đề sở hữu của Nhà nước và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nêu ra các vấn đề về cổ phần hoá các công ty nông lâm trường và các hình thức người dân góp vốn vào công ty này bằng quyền sử dụng đất với các mô hình phân chia lợi nhuận rất khác nhau, cần được đánh giá thấu đáo.
“Cần sớm đánh giá để xây dựng cơ chế, chính sách và dự toán kinh phí trong đầu tư công trung hạn để triển khai kịp thời ngay khi bắt đầu giai đoạn 2021-2025”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.
Từ khóa: HTX kiểu mới, nông lâm nghiệp, Nghị quyết, đầu tư công, kinh tế nông lâm nghiệp,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN