Giải mã sự im lặng bất ngờ của ông Trump khi ông Biden phá rào tên lửa tầm xa cho Ukraine
Cập nhật: 1 giờ trước
Ảnh vệ tinh tiết lộ chi tiết mới về hoạt động sản xuất tên lửa của Nga
Tin dữ với Ukraine ngay cả khi được Mỹ cho phép dùng ATACMS để tấn công Nga
VOV.VN - Sự im lặng của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi chính quyền Biden quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Ukraine, đã gây nhiều chú ý.
Sự im lặng bất ngờ của ông Trump
Khi Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump trò chuyện vào tuần trước, ông Biden nói rằng, việc ủng hộ cho Ukraine là vì lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, nếu Nga thành công trên chiến trường thì Washington có nguy cơ bị kéo vào một cuộc chiến trên bộ quy mô lớn ở châu Âu, ông Biden nhấn mạnh. Đây là lập luận mà ông Trump đã bác bỏ trong suốt chiến dịch tranh cử và thậm chí ngay khi ông giành chiến thắng.
Nhưng khi ông Trump chuẩn bị quay trở lại Nhà Trắng với lời hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột, có nhiều lý do khiến ông có thể lắng nghe người tiền nhiệm. Tổng thống đắc cử cam kết sẽ thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine để chấm dứt xung đột. Ông chắc chắn hiểu dù là Nga hay Ukraine, thì bất cứ bên nào cũng đều muốn đàm phán với một vị thế mạnh mẽ.
Gần một tuần sau cuộc trò chuyện này, ông Biden hiện đã có bước đi táo bạo khi quyết định cho phép Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Nhiều đồng minh và đối tác của ông Trump, trong đó có cả con trai ông đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính quyền Biden, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra Thế chiến thứ III. Trong tuyên bố trên mạng xã hội X, ông Donald Trump Jr., con trai cả của ông Trump viết: “Tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ dường như muốn đảm bảo rằng họ sẽ phát động Thế chiến 3 trước khi cha tôi có cơ hội thúc đẩy hòa bình và ngăn chặn tổn thất về sinh mạng. Chúng ta cần phải khóa chặt số tiền viện trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD đó”.
Tuy vậy, tất cả những nhân vật quan trọng trong vòng tròn thân cận của ông Trump như các ứng viên mà ông đề cử giữ chức bộ trưởng ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia và bộ trưởng quốc phòng trong nội các mới vẫn im lặng một cách kỳ lạ.
Ông Mike Waltz, người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, cho rằng, quyết định cho phép Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa ATACMS tiến hành những cuộc tấn công xuyên biên giới là một "sự leo thang", nhưng thay vì chỉ trích động thái này, ông cho biết đó là một lựa chọn "chiến thuật" của Nhà Trắng.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Mike Waltz nói rằng Tổng thống đắc cử đang để mắt đến một "chiến lược lớn" để chấm dứt cuộc chiến Nga Ukraine. Theo kế hoạch do các cố vấn chính sách trước đây của ông Trump đưa ra, Mỹ cần trang bị cho Ukraine đủ hỏa lực để buộc ông Putin ngồi vào bàn đàm phán. Kể từ khi đắc cử tổng thống, ông Trump đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky. Việc thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể cho phép Mỹ tập trung vào mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của nước này là kiểm soát Trung Quốc, trong khi giảm bớt sự ràng buộc của Washington với các đồng minh và đối tác.
Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh chính quyền Biden đã hành động đơn phương khi đưa ra quyết định gỡ bỏ rào cản cho Ukraine về tên lửa tầm xa, vì lo ngại ông Trump sẽ từ bỏ Kiev.
Vị thế của Ukraine đang suy yếu. Quân đội nước này gần như bị tê liệt do thiếu nhân lực trầm trọng, trong khi đó Nga đang giành được thêm nhiều vùng lãnh thổ, đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc chắn trên hầu hết toàn bộ tiền tuyến.
Ông Biden đã bay đến Brazil, tại đây ông sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 theo bước Mỹ để củng cố vị thế của Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Nhà Trắng cũng lo ngại về một số thông tin cho biết quân đội Triều Tiên đã xuất hiện trên chiến trường để hỗ trợ Nga. Có nhiều đánh giá khác nhau về số lượng binh sỹ mà Triều Tiên đưa đến Nga. Nhưng các báo cáo bên lề cuộc họp G20 cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng điều động tới 100.000 binh sỹ.
Một số phương tiện truyền thông tại Mỹ đưa tin, Nga đã triển khai 50.000 binh sỹ tới Kursk để giành lại những vùng lãnh thổ bị mất, trong đó có khoảng 10.000 binh sỹ Triều Tiên. Kursk là một trong những khu vực Ukraine được phép sử dụng hệ thống tên lửa ATACMS để tấn công.
Ông George Barros - nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ đánh giá "Tôi nghĩ rằng sự xuất hiện của binh sỹ Triều Tiên và quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới là hai yếu tố quan trọng có thể đã thay đổi chính sách của chính quyền Biden", ông nói.
Quyết định của Nhà Trắng có thể đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho chính quyền mới về việc có nên ngay lập tức hủy bỏ quyết định trên sau khi ông Trump nhậm chức, hay giữ lại nó như một con bài mặc cả tiềm năng trong các cuộc đàm phán mà tổng thống đắc cử đã nói rằng ông muốn tiến hành để chấm dứt giao tranh.
Mặc dù ông Trump và các đồng minh của ông chỉ trích việc tăng cường hỗ trợ quân sự và viện trợ tài chính cho Ukraine, nhưng vẫn chưa rõ liệu ông có hành động ngay lập tức để bãi bỏ quyết định liên quan đến tên lửa tầm xa hay không.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết: "Vào ngày đầu tiên, họ có thể tuyên bố, 'Chúng tôi sẽ đình chỉ quyền hạn này trong khi chờ xem xét lại chính sách của Ukraine. Nhưng điều đó sẽ gây ra rất nhiều chỉ trích và làm sống lại tất cả những câu chuyện về một số thỏa thuận với ông Putin".
Quyết định của Nhà Trắng cũng có thể thúc đẩy các đồng minh châu Âu dỡ bỏ những hạn chế tương tự đối với Ukraine về việc sử dụng tên lửa tầm xa của họ. Anh dự kiến sẽ cung cấp tên lửa Storm Shadow để Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga sau quyết định của Tổng thống Biden. Phát biểu tại Hội nghị G20, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho rằng, Anh cần phải “tăng gấp đôi sự hỗ trợ dành cho Kiev”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố Paris sẵn sàng xem xét bật đèn xanh cho việc sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga.
Bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga - Châu Âu - Châu Á tại Brussels cho biết, các quan chức châu Âu đã đưa ra những phản ứng trái chiều trước quyết định của Mỹ. Một số người lo ngại về khả năng xung đột leo thang, trong khi những người khác lại tỏ ra vui mừng. “Nhưng chúng ta nên nhớ rằng việc cho phép Ukraien sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Nga sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi và họ cần thêm nhiều loại vũ khí hơn nữa. Ngoài ra, nếu không có sự tiếp tế tên lửa liên tục thì hoạt động tấn công của Kiev sẽ rất khó đạt hiệu quả”.
“Tôi không thể dự đoán ông Trump sẽ làm gì, nhưng một khi quyết định được thực thi họ sẽ rất khó thu hồi”, bà Theresa Fallon lưu ý.
Từ khóa: Trump, Donald Trump, tổng thống Biden, tên lửa tầm xa, tên lửa ATACMS, ông Trump im lặng, sự im lặng của ông Trump, Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga, lý do Trump im lặng,xung đột Nga Ukraine,Mỹ viện trợ Ukraine,thỏa thuận chấm dứt xung đột, đàm phán Nga Ukraine, kế hoạch chấm dứt xung đột của Trump
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: hồng anh/vov.vn (tổng hợp)
Nguồn tin: VOVVN