VOV.VN - Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang ngày càng nhận được sự đồng tình của châu Âu giữa bối cảnh một trong những cuộc không kích lớn nhất làm gia tăng mối lo ngại về khả năng chống chịu của Kiev trước các cuộc tấn công gia tăng của Moscow.
Châu Âu xích lại gần ông Trump
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu bắt đầu thảo luận về việc liệu họ có thể lấp đầy khoảng trống tài trợ cho Kiev hay không nếu chính quyền ông Trump cắt giảm sự hỗ trợ thì nhiều quan chức thừa nhận rằng việc rút khỏi cuộc xung đột dường như đang ngày càng trở nên cần thiết. Họ cũng nhắc đến việc Nga đang giành lợi thế như thế nào khi Ukraine đối mặt với tình thế thiếu hụt nhân lực và vũ khí.
Trong cuộc tấn công mới nhất, Nga đã phóng khoảng 12 tên lửa và 90 UAV nhằm vào các mục tiêu trên khắp Ukraine sáng sớm 17/11 trong nỗ lực gây tổn thất cho các cơ sở hạ tầng năng lượng tại 3 khu vực quan trọng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay.
Công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine Dtek cho biết cuộc tấn công trên đã "gây ra tổn thất nghiêm trọng". Đây là cuộc tấn công thứ 10 nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng trong năm nay sau một loạt cuộc tấn công vào mùa xuân và mùa hè.
Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận về cuộc tấn công trên và thông báo: "Tất cả mục tiêu trong kế hoạch đều bị nhắm trúng".
Sự liên kết ngày càng tăng giữa châu Âu và chính quyền ông Trump về sự cởi mở trong các cuộc đàm phán là một bước chuyển biến mạnh mẽ so với 6 tháng trước. Trở lại thời điểm đó, các quan chức châu Âu dường như kinh ngạc trước cam kết của đội ngũ của ông Trump về việc chấm dứt xung đột bằng các cuộc đàm phán nhanh chóng giữa những lo ngại rằng ông Trump sẽ đạt được một thỏa thuận với Điện Kremlin khiến Ukraine phải trả giá.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi ông Trump và bày tỏ rằng những tuyên bố cứng rắn của ông về sức mạnh Mỹ có thể buộc Moscow phải đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, ông cũng nêu lên các mối lo ngại về những rủi ro trong quá trình đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin.
Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz trao đổi với Tổng thống Putin ngày 15/11, ông Zelensky cho rằng cuộc điện đàm này có nguy cơ mở ra "chiếc hộp Pandora" vì nó có thể dẫn đến những cuộc điện đàm tiếp theo chỉ là "rất nhiều lời nói".
"Đó chính xác là những gì ông Putin muốn trong một thời gian dài: Điều quan trọng với ông ấy là làm giảm việc Nga bị cô lập và tham gia vào các cuộc đàm phán không dẫn đến kết quả gì như ông ấy đã làm trong nhiều thập kỷ", ông Zelensky phát biểu hôm 15/11.
Tuy nhiên, nhóm chuyển giao của ông Trump ngày càng tự tin rằng Ukraine dễ chấp nhận đàm phán hòa bình với Nga hơn so với những gì họ thừa nhận trước công chúng. Ông Trump và các cố vấn cấp cao tin rằng Ukraine, trước những bước lùi trên chiến trường sẽ sớm không còn lựa chọn ngoại trừ ngồi vào bàn đàm phán.
Các quan chức Ukraine đã công khai khẳng định rằng mục tiêu của họ vẫn là giải phóng gần 20% lãnh thổ mà Nga đang chiếm giữ. Lập trường này vẫn được người dân Ukraine ủng hộ rộng rãi nhưng việc chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ đang gia tăng khi Nga đạt được các bước tiến chậm mà chắc trên chiến trường miền Đông.
Một cuộc thăm dò dư luận do Viện Xã hội học Quốc tế có trụ sở tại Kiev tiến hành hồi tháng 10 cho thấy 32% người dân Ukraine được hỏi sẵn sàng từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy việc chấm dứt xung đột và bảo vệ nền độc lập của đất nước. Con số này đã tăng từ 14% hồi đầu năm nay trong khi phần lớn người tham gia khảo sát vẫn phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ.
Kế hoạch của Tổng thống Zelensky được trình bày trước phương Tây trong những tuần gần đây tập trung vào việc đảm bảo các vũ khí và an ninh cho Ukraine để ngăn cản Nga tiến hành thêm các cuộc tấn công. Một nền hòa bình thực sự, theo ông Zelensky, không thể là lệnh ngừng bắn tạm thời, vốn cho phép Nga tái vũ trang và tiến hành một chiến dịch mới.
Các quan chức và cố vấn nước ngoài từng trao đổi với giới lãnh đạo Ukraine cho biết Kiev lo lắng về ông Trump nhưng lo sợ chính quyền bà Harris sẽ tiếp tục trì hoãn hỗ trợ. Ít nhất thì ông Trump mang đến sự không chắc chắn với cả Moscow, đó là điều mà Kiev cảm thấy họ có thể khai thác.
VOV.VN - Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức tại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025 sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ hứa hẹn sẽ mang đến sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc chiến Nga - Ukraine. Hiện Nga đang muốn nắm trong tay rất nhiều con bài mặc cả trước các cuộc đàm phán tương lai.
Chuẩn bị cho sự trở lại của ông Trump
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu ông Trump sẽ tiến hành như thế nào và liệu ông Putin có tham gia vào các cuộc đàm phán hay không. Các cố vấn của ông Trump đã đưa ra nhiều kế hoạch khác nhau, tất cả đều phá vỡ đáng kể cách tiếp cận hỗ trợ "lâu nhất có thể" của chính quyền Tổng thống Biden. Các đề xuất đó, nếu được thông qua thành thỏa thuận cuối cùng giữa Nga và Ukraine, có thể yêu cầu Ukraine trì hoãn gia nhập NATO trong 20 năm trong khi nước này nhận thêm vũ khí để ngăn chặn một chiến dịch quân sự mới của Nga.
Mặc dù chính phủ Đức hiện đã nói rõ họ phản đối việc Ukraine gia nhập NATO trong những năm tới nhưng vẫn chưa rõ liệu các nước châu Âu khác có đồng ý với điều đó hay không. Trong cuộc điện đàm của ông Scholz với Tổng thống Putin, ông đã chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và hối thúc ông Putin rút quân, đồng thời nhắc lại lập trường lâu dài của Đức. Cuộc điện đàm này đáng chú ý bởi nó đánh dấu sự nối lại các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa ông Putin và phương Tây.
Trong cuộc trao đổi, ông Scholz thúc giục ông Putin tham gia vào các cuộc đàm phán với Ukraine nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Ông Scholz cũng nhắc lại quyết tâm của Đức trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại Nga. Sau cuộc điện đàm, Điện Kremlin cho biết Moscow từ lâu đã sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận chấm dứt xung đột và sẽ "tính đến lợi ích an ninh của Nga, xuất phát từ thực tế lãnh thổ mới và giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột.
Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Budapest vào tuần trước, các nhà lãnh đạo châu Âu lần đầu tiên thảo luận về những việc cần làm nếu Mỹ cắt giảm viện trợ cho Ukraine sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1. Tuy nhiên, sau một loạt cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử, giới chức châu Âu đã có một lưu ý lạc quan hơn khi cho rằng, trong khi ông Trump tỏ ra quyết tâm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao chấm dứt xung đột thì ông đã tiếp thu những cảnh báo rằng ông phải giành được những nhượng bộ từ ông Putin.
Ở hầu hết các nước phương Tây, thông điệp chính thức vẫn là châu Âu sẽ ủng hộ Ukraine lâu nhất có thể. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã bày tỏ thái độ thận trọng trong các cuộc thảo luận tại Budapest về việc liệu châu Âu có thể cung cấp hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mà Ukraine cần nếu ông Trump cắt giảm hỗ trợ hay không.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ lâu đã kêu gọi châu Âu chuyển sang chiến lược của ông Trump là tìm cách chấm dứt xung đột một cách nhanh chóng. Lập luận của ông rằng, châu Âu thiếu một chiến lược thực tế để đạt được những gì mình muốn - một chiến thắng của Ukraine với việc giành lại lãnh thổ, đang được hưởng ứng ở ngay cả những quốc gia ủng hộ Kiev nhiều hơn.
Theo các quan chức châu Âu, nếu Ukraine bị loại khỏi NATO thì họ phải được cung cấp đủ hỗ trợ quân sự để có thể chống lại các cuộc tấn công trong tương lai của Nga và các quan chức này muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực đó. Họ cũng muốn đảm bảo rằng cả Ukraine và châu Âu đều có một ghế trên bàn đàm phán quyết định số phận cuộc xung đột này cũng như an ninh tương lai của châu Âu.
Một số nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết họ cần chuẩn bị cho một động thái mới của ông Trump để quân đội châu Âu cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine và giám sát lệnh ngừng bắn ở phía Ukraine trên giới tuyến có thể trải dài hàng trăm km. Bất kỳ quyết định nào như vậy đều có thể gây ra thách thức về mặt chính trị cho các chính phủ châu Âu, trong đó có các cường quốc hạt nhân như Anh và Pháp. Làm như vậy nếu không có sự tham gia của Mỹ vào cam kết hỗ trợ nếu Nga nối lại tấn công trong tương lai sẽ khiến bước đi đó thậm chí còn rủi ro hơn.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine cho biết cuộc không kích vào cuối tuần qua có vẻ như là một phản ứng mạnh mẽ từ Nga trước việc châu Âu ngày càng sẵn sàng theo đuổi một thỏa thuận hòa bình.
"Chúng tôi cần hòa bình thông qua sức mạnh, không phải sự xoa dịu", Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho hay.