Giá thuê đất cao gây khó cho doanh nghiệp khi mở rộng sản xuất?

Cập nhật: 19 giờ trước

VOV.VN - "Chúng tôi làm ra sản phẩm rồi, nhưng để mở rộng sản xuất hàng loạt thực sự là rất nhiều khó khăn về vấn đề mặt bằng, bởi vì chi phí để tìm kiếm một khuôn viên xây dựng nhà máy sản xuất rất cao"

Theo khảo sát các doanh nghiệp tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 5/2024, dù chỉ có 6% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhưng lại tăng hơn so với tỷ lệ 4,5% của năm 2022.

Tuy nhiên, trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng, bởi các rào cản liên quan đến thủ tục đất đai, bao gồm thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dài hơn so với quy định…

Gần 73% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, cao hơn đáng kể so với kết quả khảo sát 2 năm trước.

Ông Nguyễn Xuân Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế TYG nêu thực tế, hiện diện tích sản xuất và lưu kho của Công ty tại Cụm công nghiệp Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội) đang hật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì thế doanh nghiêp mong muốn được chuyển đến khu công nghiệp có hạ tầng tốt hơn, diện tích rộng rãi hơn và thuận tiện hơn cho giao thông. Nhưng giá thuê đất tại các khu công nghiệp mới thường cao, không phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp.

“Sản xuất kinh doanh, đầu tư vào cụm công nghiệp hoặc khu công nghiệp mà có cơ sở hạ tầng tốt sẽ giúp cho các doanh nghiệp đầu tư tránh được những rủi ro trong hoạt động. Tuy nhiên, hiện giá thành cao quá, khiến cho các doanh nghiệp rất băn khoăn đầu tư vào, đặc biệt với doanh nghiệp thì giá thành là bài toán vô cùng quan trọng -quyết định sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường”, ông Nguyễn Xuân Thăng nói.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước có 418 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu chế xuất) đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố. Nhưng nhu cầu thuê luôn ở mức cao và có xu hướng tăng đã đẩy giá thuê đất tại các khu công nghiệp lên cao… Điều này làm cản trở cho các doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất.

Do đó, ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cho rằng, để tạo sức bật cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng kinh doanh, các cơ quan quản lý cần ưu tiên có chính sách giảm giá thuê đất tại các khu công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi mặt bằng sản xuất.

“Để mở rộng sản xuất chúng tôi rất cần chính sách hỗ trợ, bằng cách có khu công nghiệp, cụm công nghiệp ưu tiên cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm mang tính chất kỹ thuật công nghệ- để có sự hỗ trợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Chúng tôi làm ra sản phẩm rồi, nhưng để mở rộng sản xuất hàng loạt thực sự là rất nhiều khó khăn về vấn đề mặt bằng, bởi vì chi phí để tìm kiếm một khuôn viên xây dựng nhà máy sản xuất rất cao” - ông Hoàng Hữu Thắng nêu ý kiến.

Đề nghị bỏ thời hạn đăng ký biến động liên quan đến cho thuê đất công nghiệp

VOV.VN - Ngày 12/12, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị không bắt buôc người sử dụng đất phải đăng ký biến động đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất mà các bên thỏa thuận việc trả tiền thuê đất theo kỳ hạn trong 30 ngày.

Từ khóa: giá đất, giá đất thuê, đất khu công nghiệp, bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp, mở rộng sản xuất,giá đất

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn hằng/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan