Giả danh trường đại học lừa đảo "phí giữ chỗ": Phụ huynh, thí sinh cần tỉnh táo
Cập nhật: 11 giờ trước
Đền thờ vọng 13.000 anh hùng liệt sĩ trên dãy Trường Sơn
Giáo viên chờ hướng dẫn điều chỉnh sách giáo khoa sau sáp nhập
VOV.VN - Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ tuyển sinh, gửi email, gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua mạng xã hội để thông báo trúng tuyển và yêu cầu nộp các loại “phí giữ chỗ”, “phí nhập học”, “phí tài liệu”, “phí hồ sơ”…
Liên quan đến lừa đảo mùa tuyển sinh, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) vừa phát đi cảnh báo thời điểm tuyển sinh đại học - cao đẳng hằng năm luôn là "mùa cao điểm" của các đối tượng lừa đảo. Do đó, phụ huynh và thí sinh cần đặc biệt lưu ý: Chỉ tra cứu thông tin tuyển sinh qua website chính thức của trường; Tuyệt đối không chuyển tiền qua tài khoản cá nhân khi chưa xác thực; Không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng cho người lạ; Cảnh giác với email, tin nhắn có đường link lạ - đây có thể là trang giả mạo để đánh cắp thông tin; đồng thời báo ngay cho cơ quan công an nếu nghi ngờ bị lừa đảo.
Mùa tuyển sinh là thời điểm quan trọng của mỗi thí sinh và gia đình. Việc nâng cao cảnh giác và xác minh thông tin từ nguồn chính thống là điều cần thiết để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Ngay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học trên cả nước đã đồng loạt phát đi cảnh báo về các chiêu trò giả mạo nhà trường để lừa đảo thí sinh và phụ huynh. Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ tuyển sinh, gửi email, gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua mạng xã hội để thông báo trúng tuyển và yêu cầu nộp các loại “phí giữ chỗ”, “phí nhập học”, “phí tài liệu”, “phí hồ sơ”…
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM cho biết, trong giai đoạn cao điểm tuyển sinh, nhà trường đã ghi nhận nhiều trường hợp lừa đảo tinh vi nhắm vào tâm lý lo lắng và kỳ vọng của thí sinh. Trường đã thống kê 4 hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay:
- Giả danh cán bộ tuyển sinh gọi điện, nhắn tin qua Zalo, Facebook để thông báo trúng tuyển.
- Gửi đường link website giả mạo để yêu cầu đăng nhập xác nhận thông tin, nộp lệ phí.
- Tạo lập các hội nhóm có tên giống trường trên mạng xã hội để đăng tin sai lệch, giới thiệu dịch vụ lừa đảo.
- Chào bán các khóa học, dịch vụ “chuẩn bị đại học” không rõ nguồn gốc, lợi dụng thương hiệu trường.
Nhà trường khẳng định không thu bất kỳ khoản phí tuyển sinh nào, đồng thời khuyến cáo thí sinh không cung cấp thông tin cá nhân, không chuyển tiền, không tham gia các hội nhóm không chính thống.
Tương tự, Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM (DHV) cũng phát cảnh báo đến thí sinh năm 2007. Trường lưu ý, nếu nhận được tin nhắn, cuộc gọi hoặc bưu phẩm yêu cầu thanh toán “phí ship”, “phí nhận tài liệu” dưới danh nghĩa DHV, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển khoản, mà cần xác minh trực tiếp với nhà trường.
DHV khẳng định không ủy quyền bất kỳ bên trung gian nào thu phí hồ sơ, tài liệu dưới hình thức chuyển phát hay tin nhắn. Mọi hoạt động tư vấn đều được thực hiện minh bạch, trực tiếp qua các kênh chính thức của trường.
Trong khi đó, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho biết trường chỉ gửi email xác nhận đã nhận hồ sơ Đánh giá năng lực, không có bất kỳ thông báo trúng tuyển qua email. Nếu có sai sót thông tin, thí sinh cần chủ động liên hệ lại qua số điện thoại hoặc email chính thức của trường.
Từ khóa: lừa đảo, lừa đảo, lừa đảo trực tuyến, lừa đảo phí giữ chỗ, giả danh cán bộ tuyển sinh, xét tuyển đại học
Thể loại: Xã hội
Tác giả: vân anh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN