Gây rối trật tự công cộng dẫn đến chết người: Đối diện hình phạt nào?

Cập nhật: 10/10/2019

VOV.VN -Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi gây rối trật tự công cộng dẫn đến chết người bị xử lý về hành vi Giết người.

Thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước xảy ra không ít vụ gây rối trật tự công cộng có đông người tham gia, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí làm chết người.

gay roi trat tu cong cong dan den chet nguoi: doi dien hinh phat nao? hinh 1

Nữ cổ động viên Hà Nội bị thương nặng vùng đùi trái sau khi trúng pháo (Ảnh:Minh Tú)

Cụ thể, chiều 23/9, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với nghi phạm Vũ Trung Trực (35 tuổi, trú tại xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, Nam Định) để làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 11/9, Trực mang 2 quả pháo dù, 18 pháo sáng tới sân Hàng Đẫy để cổ vũ trận bóng đá giữa CLB Nam Định và CLB Hà Nội. Đến khoảng 20h10 (phút thứ 55 của trận đấu), Trực đốt 1 quả pháo dù, bắn từ khán đài B sang hướng khán đài A. Quả pháo sáng không may trúng vào chị Tô Huyền Anh (34 tuổi, cổ động viên Hà Nội) khiến chị này bị thương ở đùi trái, chảy rất nhiều máu, phải đi cấp cứu.

Cũng trong tháng 9/2019, trong lúc tuần tra, lực lượng chức năng phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phát hiện khoảng 20 mô tô với khoảng 30 đối tượng mang theo hung khí như chai xăng, dao tự chế, mã tấu chạy trên đường từ hướng phường Thống Nhất qua Hiệp Hòa với mục đích gây rối. Khi bị khống chế, các đối tượng này quay lại tấn công lực lượng chức năng và nhanh chóng lên xe tẩu thoát....

Theo quan sát, các vụ gây rối trật tự công cộng thường có đông người tham gia, có những vụ lôi kéo kích động người khác làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội tại địa phương nơi xảy ra vụ gây rối.

Ví như, khoảng 2h ngày 8/1/2019 tại quán ốc số 18 phường Phan Đình Phùng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng.

Cụ thể, sau khi ăn uống xong chuẩn bị ra về giữa nhóm của Nguyễn Văn Đoàn và Đinh Hữu Thương, Đinh Tiến Thông xảy ra mâu thuẫn đánh nhau. Khi thấy nhóm mình đánh nhau, Nguyễn Hữu Việt đi cùng đoàn đã chạy ra xe máy lấy dao bấm đâm vào người Nguyễn Mạnh Hà, bạn của Thông và Thương. Hậu quả anh Hà chết do bị đâm vào tim.

Liên quan đến những vụ việc này, luật sư Nguyễn Hữu Toại, công ty luật TNHH Hừng Đông cho biết, theo quy định của pháp luật, mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Nếu gây rối trật tự dẫn đến hậu quả chết người thì khởi tố theo tội “Giết người” còn nếu không đủ cấu thành yếu tố tội “Giết người” thì có thể khởi tố theo tội danh “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người. Và đây cũng là hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Cho nên, nếu bị khởi tố theo tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định điều 123 Bộ Luật Hình sự dẫn đến chết người thì có thể bị xử phạt tù từ 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình. Còn đối với người phạm tội cố ý gây thương tích thì hình phạt có thể từ 7 đến 14 năm tù. Đó là khung hình phạt làm chết người theo quy định điểm a, khoản 4, điều 134.

gay roi trat tu cong cong dan den chet nguoi: doi dien hinh phat nao? hinh 2
Các đối tượng gây rối phường Biên Hòa tại cơ quan công an

Theo quan điểm của vị luật sư này, gây rối trật tự công cộng dẫn đến chết người, bị khởi tố theo tội danh Giết người hoặc tội “Cố ý gây thương tích” đã đủ sức răn đe. Bởi, mục đích của pháp luật không phải là trừng phạt, răn đe mà nhằm giáo dục cho những người vi phạm có con đường quay trở lại cuộc sống nếu như người ta biết cải chính, hối lỗi về hình vi của mình. Sau thời gian cải tạo đấy, nếu người ta thi hành án hình sự tốt thì người ta có thể được giảm án.

Đối với những đối tượng chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), nhưng đủ 16 tuổi mà gây rối trật tự công cộng, theo luật sư Nguyễn Hữu Toại họ vẫn bị xử lý về hành vi này. Tuy nhiên, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi khi xét thấy các hình phạt và biện pháp khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Và khi phạt tù có thời hạn tòa án cho người dưới 18 tuổi được hưởng mức án nhẹ hơn mức án với người từ 18 tuổi trở lên và thời gian chấp hành án phạt cũng thường thấp hơn mức đề nghị của VKS.

“Người đủ 16 tuổi trở lên, nếu tham gia gây rối trật tự công cộng vẫn bị xử lý theo tội danh này. Tuy nhiên chính sách hình sự của nhà nước ta là chính sách hình sự nhằm mục đích nhân đạo đối với những người chưa thành niên phạm tội và chủ yếu là nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”-luật sư Toại nói.

Còn đối với những người nước ngoài sang Việt Nam gây rối trật tự công cộng, theo vị luật sư này thì theo quy định khoản 2, điều 5, Bộ Luật Hình sự, họ vẫn bị xử lý bình thường như công dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng loại trừ trường hợp họ là những đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, quyền lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia thì vấn đề phạm pháp hình sự của họ được giải quyết theo điều ước quốc tế hoặc các tập quán quốc tế.

Trường hợp điều ước quốc tế không có quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo con đường ngoại giao. Như vậy, nếu họ không thuộc các đối tượng được miễn trừ ngoại giao, miễn trừ lãnh sự thì vẫn bị xử lý bình thường như công dân bình thường phạm tội./.

Từ khóa: gây rối trật tự, Gây rối trật tự công cộng, đốt pháo sáng, sân vận động Mỹ Đình, gây rối phường Biên Hòa

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập