Gạo nếp có tác dụng gì với sức khoẻ?

Cập nhật: 21/11/2023

VOV.VN - Gạo nếp nấu xôi là một trong những thực phẩm quen thuộc của người Việt, vậy gạo nếp có tác dụng gì?

Trong bữa ăn của người Việt Nam và một số nước ở châu Á, gạo là lương thực quan trọng không thể thiếu. Có ba loại gạo chính là gạo nếp, gạo tẻ và gạo lứt. Mỗi loại có giá trị dinh dưỡng riêng và tác dụng chữa bệnh mà chúng ta không ngờ đến. Dưới đây là những tác dụng của gạo nếp đối với sức khỏe.

Tác dụng của gạo nếp với sức khỏe

Bài viết của TS Nguyễn Đức Quang trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, gạo nếp còn gọi nhu mễ, giang mễ, tên khoa học Oryza sativa L. var. glutinosa Tanaka, họ lúa (Poaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là hạt lúa và hạt gạo.

Gạo nếp rất giàu dinh dưỡng: Có protein, đường các loại, tinh bột, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ. Gạo nếp là lương thực chính hàng ngày cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, tác dụng băng niêm mạc chống loét. Người bệnh phát ban mụn nhọn kỳ đầu ăn gạo nếp có tác dụng thúc đẩy mọc ban, mưng mủ sớm để mau lành bệnh.

Theo Đông y, gạo nếp vị ngọt, tính ôn, vào tỳ vị và phế. Tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ, cố biểu chỉ tả. Dùng tốt cho người đái tháo đường, tự hãn, tiểu dắt, di niệu, tiêu chảy. Hằng ngày dùng 50 - 200g. Có thể nấu, rang, sấy hoặc tán bột.

Các món ăn từ gạo nếp được coi là bài thuốc

Báo VietNamNet dẫn lời BSCK II Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chỉ ra các món ăn từ gạo nếp được coi là bài thuốc như sau:

- Rượu nếp (cơm rượu): Cách làm đơn giản, nấu cơm nếp lứt rồi trộn với men cơm rượu, ủ vài ba hôm, sau quá trình lên men được cơm rượu. Mỗi ngày ăn một bát con cơm rượu có tác dụng kiện tỳ, bổ khí khai vị, dùng trong dịp lễ tết.

- Nước gạo nếp rang: Ngâm nước một ngày đêm, thay nước vài ba lần, đem vo rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy khô, sao vàng và tán bột để sẵn. Khi dùng hòa với nước sôi, chút đường. Dùng cho các trường hợp nôn ói như trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp môn vị, rối loạn do thai nghén.

- Hồ bột gạo nếp, củ mài: Gạo nếp (500g) ngâm nước khoảng 12 tiếng, vo rửa sạch, để khô, sao tán bột. Củ mài (500g) sao qua, tán bột. Mỗi lần lấy mỗi thứ 1 thìa, thêm đường và bột hồ tiêu, dùng nước sôi khuấy đều. Ăn bữa sáng khi đói. Dùng cho người cao tuổi, trẻ em ăn kém, suy nhược hoặc tiêu chảy lâu ngày ăn kém.

- Chè gạo nếp, đậu đỏ: Gạo nếp 50g, đậu đỏ 50g, cám gạo 50g, đường nấu thành chè ăn, giúp chữa bệnh tê phù.

- Bánh ú nước tro: Ngâm gạo nếp vo nhiều lần đến khi nước ngâm thật trong, đổ nước vào sâm sấp mặt nếp ngâm khoảng 4 tiếng, cho thêm 200ml nước tro vào ngâm tiếp trong 20 tiếng. Lá tre đem rửa sạch rồi đem đi hấp trong 5 phút để nguội, lấy khăn sạch lau thật khô hai mặt lá để bánh để lâu hơn. Lấy lá tre gấp lại thành hình cái phễu rồi múc từng muỗng nếp cho vào, nén lại.

- Bạn gấp kín miệng bánh và nhẹ nhàng gấp bánh theo hình kim tự tháp, lấy dây gói bánh lại thật chặt, làm đến hết số nếp đã ngâm. Xếp bánh vào nồi, đổ nước lạnh vào ngập mặt bánh, luộc trong 5 tiếng thì bánh mới trong và dẻo được.

Trên đây là những tác dụng của gạo nếp tuy nhiên gạo nếp cũng có tính chất tương tự như các loại gạo khác nên những người bị đái tháo đường, béo phì, bệnh dạ dày cần hạn chế, không nên ăn quá nhiều.

Từ khóa: gạo nếp, gạo nếp,tác dụng của gạo nếp,ăn gạo nếp có tốt không,các bài thuốc từ gạo nếp

Thể loại: Y tế

Tác giả: thanh thanh/vtc news

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập