Fintech - Công nghệ tài chính - Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam
Cập nhật: 10/10/2022
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Vừa qua, CLB Nhà khoa học (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp tổ chức Diễn đàn Công nghệ tài chính - Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam.
Fintech - Công nghệ tài chính - Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam
Trong 2 ngày 6 và 7/10, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà khoa học (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp tổ chức Diễn đàn Công nghệ tài chính - Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam (VIETNAM FINTECH FORUM) năm 2022.
PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành VIASM khẳng định với sự tham gia của các diễn giả có uy tín trong nước và quốc tế, các học giả, chuyên gia thực tiễn, nhà hoạch định chính sách đến lãnh đạo ngân hàng, các công ty Fintech, Diễn đàn đã thực sự tạo ra mạng lưới kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech, kết nối các học giả trong nước với chuyên gia, học giả nước ngoài, đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, nghiên cứu trong lĩnh vực Fintech nói riêng và Toán ứng dụng nói chung. Trong thời gian tới, VIASM sẽ tiếp tục phối hợp với VSL và các trường ĐH Việt nam tổ chức các diễn đàn học thuật mang tính ứng dụng cao, góp phần lan toả giá trị tri thức đỉnh cao vào thực tiễn cuộc sống!
PGS.TS Đào Thanh Trường, Trưởng ban điều hành Câu lạc bộ Nhà khoa học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, không nằm ngoài guồng quay phát triển của Fintech toàn cầu, làn sóng Fintech ở Việt Nam cũng nhanh chóng lan rộng và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Trong những năm gần đây, Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số, sự phát triển của thị trường thương mại điện tử cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số. Fintech đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các chủ thể, các bên liên quan.Điều quan trọng là chúng ta cần tạo sự kết nối một cộng đồng lớn quan tâm đến công nghệ tài chính, không chỉ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu về Fintech mà còn góp phần vào quá trình hoạch định các chính sách, tư vấn chính sách để thực sự thúc đẩy thị trường Fintech đầy tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới...
Bên cạnh các báo cáo có tính chất tổng quan về tình hình nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng chính sách trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở Việt Nam, trên thế giới, hai phiên làm việc song song trong hai ngày 6 và 7/10 gồm các báo cáo chuyên sâu về các chủ đề ứng dụng toán, khoa học dữ liệu trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, quản trị rủi ro.
Diễn đàn là sự kiện khởi đầu cho chuỗi gặp gỡ thường niên về công nghệ tài chính giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước lĩnh vực liên ngành giữa toán ứng dụng, công nghệ thông tin, tài chính, quản trị rủi ro.
Đồng thời thúc đẩy các nghiên cứu và hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các ngân hàng, các tổ chức tài chính ở Việt Nam.
Cũng tại diễn đàn, các nhà khoa học, học giả, quản lý trong nước và quốc tế đã trình bày các vấn đề quan tâm liên quan Fintech như: Nghiên cứu liên ngành trong Toán kinh tế và tài chính; Chiến lược phát triển tài chính toàn diện ở Việt nam và vai trò của Fintech; Nghiên cứu và ứng dụng Fintech trên thế giới; Xu hướng mới trong Toán tài chính; Phát triển ứng dụng Fintech với các sản phẩm bảo hiểm…
Chia sẻ tại diễn đàn vấn đề Blockchain (chuỗi khối) và Fintech, GS.TS Đức (David) Trần, Đại học Massachusetts, Boston (Hoa Kỳ) cho rằng, Blockchain giúp tạo dựng một xã hội số hóa, nơi mọi người có thể đóng góp, cộng tác và giao dịch mà không phải hoài nghi về độ tin cậy và tính minh bạch. Những tác động to lớn của blockchain đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường, giao thông vận tải và từ thiện. Trong đó, lĩnh vực tài chính được hưởng lợi nhiều nhất từ blockchain và sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai. Blockchain với các sản phẩm tài chính sáng tạo đang dần chiếm lĩnh thị trường vốn bị thống trị bởi tài chính truyền thống.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ nhà khoa học ĐHQGHN, chia sẻ về thực trạng thị trường Fintech tại Việt Nam; những chương trình đào tạo Fintech hiện có tại Việt Nam và những kinh nghiệm phát triển. Nội dung trình bày cũng giới thiệu về những khoảng trống nghiên cứu Fintech hiện nay.
Đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), bà Nguyễn Thuỳ Linh - Phó Giám đốc khối ngân hàng số đã nêu sơ lược quá trình chuyển đổi số ở Ngân hàng này khi ứng dụng các cách làm mới, đặc biệt ở mảng công nghệ với các nghiệp vụ ngân hàng truyền thống. Trong đó, có nhấn mạnh 1 số sản phẩm dich vụ đặc thù có tính ứng dụng cao, là kết quả của một quá trình chuyển đổi số đầy quyết tâm.
TS. Thắng Nguyễn - ĐH Coventry, Vương Quốc Anh giới thiệu về ý nghĩa và môi trường phát triển của Fintech, vai trò của Fintech đối với ngành dịch vụ tài chính. Ông cũng trình bày bức tranh tổng quan về thực trạng phát triển của Fintech trên toàn cầu, những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư (thanh toán), lĩnh vực tăng trưởng lớn nhất (Blockchain & Crypto), lĩnh vực tiềm năng phát triển mạnh mẽ (RegTech). Cuối cùng là thực trạng phát triển Fintech tại Vương quốc Anh, trên các vấn đề về chính sách, quy định, kĩ năng cần thiết, đầu tư, kết nối trong trong và ngoài quốc gia.
GS. Thomas Ankenbrand - Đại học Lausanne, Thuỵ Sĩ cho biết, máy tính lượng tử có thể giải quyết các vấn đề cụ thể không khả thi trên phần cứng "cổ điển". Do đó, kết quả tốc độ tăng tốc do máy tính lượng tử cung cấp có khả năng thay đổi bất kỳ ngành nào sử dụng tính toán, bao gồm cả tài chính. Các ứng dụng lượng tử đầu tiên cho ngành tài chính liên quan đến các vấn đề tối ưu hóa, mô phỏng và học máy đã được đề xuất và áp dụng cho các trường hợp sử dụng như quản lý danh mục đầu tư, quản lý rủi ro và các công cụ định giá phái sinh.
TS. Lê Đức Phong - The Bank of Canada chia sẻ: Công nghệ khối chuỗi lần đầu được giới thiệu vào năm 2008 thông qua đồng tiền số Bitcoin. Cũng phải mất thời gian vài năm để Bitcoin cũng như công nghệ khối chuỗi gây được sự chú ý đến giới đầu tư và cả giới công nghệ. Bỏ qua những tranh cãi về tính pháp lý của Bitcoin, công nghệ khối chuỗi thực sự giới thiệu nhiều đặc điểm thú vị có thể ứng dụng trong rất nhiều mảng trong cuộc sống. Những đặc điểm như tính phân tán, bảo mật, nhanh, chính xác của các giao dịch,... thu hút sự chú ý trong nhiều mảng ứng dụng của Fintech.
TS. Nghiêm Xuân Huy - CEO Finhay cho biết: Finhay tự hào là công ty fintech đầu tiên sở hữu giấy phép cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Được hỗ trợ bởi công nghệ tiên tiến, cung cấp một nền tảng trực tuyến minh bạch và đột phá với khả năng truy cập dễ dàng và cung cấp thông tin chính xác đến nhiều dịch vụ cho tất cả người dùng Việt Nam trên một nền tảng duy nhất.
Kể từ tháng 6 năm 2022, Finhay áp dụng ý tưởng của các nhà tạo lập thị trường sản phẩm liên tục CPMM - một loại khái niệm nhà tạo lập thị trường tự động (“AMM”) để xây dựng lại một thuật toán thú vị mới cho giao dịch vàng trên nền tảng Finhay. Khái niệm AMM cho phép giao dịch tiền điện tử tự động thông qua khả năng không được phép và không bị quản lý của các hợp đồng thông minh.
GS Hongjoo Jung, Giám đốc Viện nghiên cứu bảo hiểm, Đại học SKKU, Hàn Quốc đã giới thiệu về các sáng kiến khi ứng dụng Fintech trong việc tạo ra các sản phẩm bảo hiểm mới tại Hàn Quốc. Trong khi đó, GS.TS Đức (David) Trần, ĐH Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ chia sẻ rằng, Blockchain giúp tạo dựng lên một xã hội số hoá, nơi mọi người có thể đóng góp, cộng tác và giao dịch mà không phải hoài nghi về độ tin cậy và tính minh bạch. Đây là một công nghệ nền tảng giúp làm tốt hơn cách chúng ta sống, với sự tự do, thoải mái và nhiều rào cản được xóa bỏ. Những tác động to lớn của blockchain đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường, giao thông vận tải và từ thiện.
TS. Trịnh Anh Tuấn, EIT Digital, Hungary cho rằng: Sự minh bạch có giá của nó. Trí tuệ nhân tạo (AI) minh bạch và có thể giải thích được trong Tài chính cũng không phải là ngoại lệ.
TS. Nguyễn Thanh Bình - ĐH RMIT giới thiệu về bản chất và ý nghĩa của Blockchain, vai trò của Blockchain trong tiến trình phát triển của Internet, qua đó hiểu được các giai đoạn phát triển từ Web 1.0 lên Web 3.0. Nội dung trình bày cũng giới thiệu về đặc điểm của tài sản mã hóa và ý tưởng lớn của tài chính mã hóa. Qua đó cung cấp bức tranh tổng quan về tiến trình phát triển của xã hội, nền kinh tế và vai trò của quyền sở hữu trong tiến trình này. Cuối cùng là bối cảnh phát triển tại Việt Nam hiện nay và những dấu mốc thời gian quan trọng.
Từ khóa:
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2