EVFTA - Cơ hội tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0
Cập nhật: 25/09/2019
“Cơn sốt” Bitcoin chưa dừng lại, các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của FED
Meey Map Ver 3.0: Thêm nhiều tính năng mới cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt
VOV.VN - Văn kiện EVFTA vừa được hai bên ký mang đến cơ hội cho Việt Nam tiếp cận CMCN 4.0 tại một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của thế giới.
Chiều 30/6, đại diện Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã chính thức ký kết văn kiện EVFTA tại Hà Nội. Theo trình tự thì EVFTA còn phải được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn và Hội đồng châu Âu xét duyệt lần cuối trước khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là một FTA thế hệ mới, với những điều khoản rộng mở hơn nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, lợi thế để Việt Nam tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là rất lớn, khiến giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.
Từ định hình chính sách…
Được biết, ngay từ năm 2012, Ủy ban châu Âu (EC) đã xác định 6 ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp, 3 lĩnh vực trong số đó liên quan trực tiếp đến CMCN 4.0, đó là công nghệ chế tạo tiên tiến; công nghệ then chốt (pin, vật liệu thông minh và quy trình sản xuất tạo hiệu suất cao); mạng lưới thông minh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất trong tổng giá trị gia tăng vào năm 2020 của EU lên tới 20%.
EU và Việt Nam chính thức ký kết văn kiện EVFTA tại Hà Nội. |
Năm 2014, trong báo cáo “Vì sự phục hưng của nền công nghiệp châu Âu”, EC đã tuyên bố, các công nghệ số (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, các ứng dụng internet công nghiệp mới, các nhà máy thông minh, robot và in 3D) có vai trò thiết yếu trong nâng cao năng suất của EU thông qua việc xác định lại mô hình kinh doanh và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới.
Tháng 5/2015, EC công bố bản kế hoạch chi tiết thành lập “Thị trường kỹ thuật số chung”. Mục tiêu là dỡ bỏ các bức rào cản và biến 28 thị trường quốc gia thành một thị trường duy nhất, tạo ra một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, con người, dịch vụ và vốn được đảm bảo, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận hàng hóa và truy cập dịch vụ trực tuyến không phân biệt quốc tịch. Thị trường này có thể đóng góp tới 415 tỷ euro cho nền kinh tế EU, thúc đẩy tăng trưởng, việc làm, cạnh tranh, đẩu tư và đổi mới.
Ngoài ra, EU còn thúc đẩy thực hiện Chương trình đào tạo kỹ năng (eSkills) nhằm giảm sự thiếu hụt lao động có kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là tạo ra một quan hệ đối tác nhiều bên gọi là Liên minh toàn diện về việc làm trong ngành kỹ thuật số để việc đào tạo ICT trở nên hấp dẫn và phù hợp hơn với nhu cầu của từng ngành.
EP cũng đưa ra lời kêu gọi đổi mới hơn trong ngành kĩ thuật số và điều khiển dữ liệu trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, cũng như sử dụng các nguồn tài trợ từ Quỹ kiến trúc và đầu tư châu Âu để hỗ trợ giáo dục công nghệ thông tin và đào tạo nghề.
EC còn có sáng kiến “Dòng chảy dữ liệu miễn phí”. Nhằm giải quyết vấn đề quyền sở hữu dữ liệu và khả năng tương tác trong các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến giữa các doanh nghiệp với nhau, và công nghệ cho phép các thiết bị có thể trao đổi với các hệ thống thông qua mạng vô tuyến hoặc hữu tuyến, cũng như khuyến khích các nước áp dụng các tiêu chuẩn về số hóa vào lĩnh vực công nghiệp, phát triển chuyên môn và kỹ năng số.
Đến ưu tiên khởi nghiệp…
EU đã tổ chức diễn đàn Chính sách Chiến lược về khởi nghiệp công nghệ số, tập trung làm rõ về sự chuyển đổi kỹ thuật số của ngành công nghiệp và của các doanh nghiệp EU. Tạo cơ sở lý luận và thực tiến về việc xác định các mục tiêu quốc gia, thành lập các trung tâm ưu tú, tăng cường tiêu chuẩn, cung cấp tài chính và thúc đẩy phát triển kỹ năng kỹ thuật số.
EVFTA mở ra cơ hội lớn cho hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. (Ảnh minh họa) |
Chương trình thúc đẩy nền kinh tế số của EU giai đoạn 2008 - 2014, tập trung vào việc sử dụng ICT thông minh và tích hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào các chuỗi giá trị số, đặc biệt chú trọng đến thị trường toàn cầu.
Trong giai đoạn 2014 – 2020, Chương trình Nghiên cứu Hợp tác Công-Tư (Hoziron) của EU sẽ cung cấp gần 80 tỷ euro cho nghiên cứu và đổi mới, bao gồm cả hỗ trợ phát triển các công nghệ chủ chốt. Chương trình nghiên cứu Hoziron cũng sẽ tài trợ cho các dự án nguyên mẫu và trình diễn.
Một số Dự án tiêu biểu như: “Nhà máy tương lai” là một chương trình theo hình thức hợp tác Công-Tư với ngân sách 1,5 tỷ euro; “Công nghiệp chế biến bền vững thông qua hiệu quả nguồn tài nguyên” được cấp ngân sách 0,9 tỷ euro; “Sáng tạo ICT cho các doanh nghiệp chế tạo vừa và nhỏ” với ngân sách 77 triệu euro, trong các lĩnh vực điện toán đám mây, robot và mô phỏng.
“Quỹ Đầu tư và Xây dựng Châu Âu” với ngân sách 100 tỷ euro được dành cho các quốc gia thành viên để khuyến khích các nước đầu tư vào đổi mới, thúc đẩy các nước tập trung vào lợi thế của mình và tạo ra những đổi mới và nâng cao giá trị của EU.
Và những kinh nghiệm triển khai
Về lập pháp. Ngay từ tháng 1/2017, EP đã đề xuất việc chuẩn bị khuôn khổ pháp lý cho robot tham gia thị trường lao động. Có thể coi đây là bộ luật đầu tiên trên thế giới về người máy và cũng là những dấu ấn pháp lý của CMCN 4.0 được thế giới ghi nhận.
Về xây dựng chiến lược. Đức là quốc gia đầu tiên trong EU (2011) đã xây dựng Dự án tương lai cho Công nghiệp 4.0, trong Chương trình Chiến lược công nghệ cao tới năm 2020. Dự án được nhóm Liên minh Nghiên cứu kinh tế và khoa học của chính phủ liên bang khởi xướng.
Lợi thế để Việt Nam tiếp cận CMCN 4.0 là rất lớn. (Ảnh minh họa) |
Về nhiệm vụ trọng tâm chiến lược. Trong khi, EU chủ yếu tập trung vào việc cải tiến 3 lĩnh vực: môi trường, năng lượng và giao thông vận tải. Nước Đức lại nhấn mạnh trọng tâm vào vấn đề năng lượng tái tạo và thành phố thông minh, với 5 khu vực thí điểm như: Berlin, Freiheim, Hamburg, Mannheim, Stuttgart. Pháp lại nhấn mạnh đầu tư vào môi trường. Còn các nước Bắc Âu quan tâm đặc biệt đến giao thông vận tải.
Về vấn đề con người. Nước Đức đặc biệt quan tâm đến mặt trái của 4.0, nhất là những tác động đến nhân tố con người, các giải pháp bảo mật; tính cá nhân, sự độc lập, khả năng ứng xử của những công dân tương lai. Coi trọng nhận thức của con người về cơ hội và thách thức; sự năng động, sáng tạo, có ý thức, phát huy tiềm năng con người trong thời đại số; tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi công dân đều được hưởng lợi từ CMCN 4.0.
Về sản phẩm công nghệ. EU đã triển khai thử nghiệm: Tàu điện, tàu thủy, máy bay không người lái; tự động hóa sản xuất, sửa chữa từ xa; xe tự lái và robot giao hàng. Nghiên cứu và gia công sản phẩm trên máy in 3D. Công nghệ mũi nhọn 5G, EU cũng nằm trong TOP 2 thế giới đứng đầu là Đức, Anh và Pháp.
Ericsson - Nhà sản xuất thiết bị viễn thông cùng với nhà khai thác Swisscom công bố thực hành giao dịch bằng 5G thương mại với 18 khách hàng, ra mắt mạng 5G thương mại quy mô lớn đầu tiên ở 54 thành phố châu Âu vào ngày 17/4/2019 vừa qua.
Ericsson cũng là đối tác của các nhà mạng Việt Nam cam kết đưa công nghệ tối tân nhất vào thị trường Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Ericsson cũng đã từng là đối tác chiến lược và nhà cung cấp GSM, 3G chính cho các nhà mạng VNPT, Viettel, G-Tel, Hanoi Telecom, và đang có quan hệ chặt chẽ với MobiFone, VinaPhone trong quá trình nâng cấp mạng 4G.
Như vậy, Văn kiện EVFTA vừa được hai bên ký kết đang tiến gần đến thời gian có hiệu lực thi hành. Thời cơ và thách thức đều lớn. Tuy nhiên, một trong những cơ hội mà Việt Nam cần quan tâm khai thác đó là, tiếp cận CMCN 4.0 tại một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của thế giới. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần chủ động, tích cực để khai thác có hiệu quả thị trường mới này./.
Từ khóa: EVFTA, Cách mạng Công nghiệp 4.0, CMCN 4.0, Việt Nam EU, FTA thế hệ mới
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN