EU-Belarus gia tăng cảnh báo trừng phạt lẫn nhau

Cập nhật: 20/09/2020

VOV.VN - EU tuần tới có thể tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào cá nhân Tổng thống Belarus Lukashenko.

Trong một động thái nhằm gia tăng sức ép với chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko, Liên minh châu Âu (EU) mới đây cho biết ngay trong tuần tới sẽ thông qua những bước đi tiếp theo đối với Belarus, bao gồm cả lệnh trừng phạt nhằm vào cá nhân nhà lãnh đạo này.

Một bước đi như thế có thể làm gia tăng những hạn chế mà Liên minh châu Âu áp đặt với Belarus từ năm 2004 và dự kiến hết hạn vào cuối tháng 2 năm sau.

Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Joseph Borrell, khối này không công nhận cuộc bầu cử Tổng thống hôm 9/8 vừa qua, cũng như không công nhận ông Alexander Lukashenko là Tổng thống hợp pháp của Belarus. Liên minh châu Âu dự kiến sẽ thông qua các lệnh trừng phạt trước cuộc họp Hội đồng châu Âu vào ngày 24-25/9 tại Brussels (Bỉ) và sẽ đánh giá lại các mối quan hệ với Belarus.

Trong một phản ứng mới nhất, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei hôm 19/9 tuyên bố nước này sẽ buộc phải đáp trả nếu Liên minh châu Âu quyết định trừng phạt bổ sung nhằm vào Belarus.

Trước đó, Tổng thống Alexander Lukashenko đã miễn nhiệm Đại sứ nước này tại Latvia Vasily Markovich “vì thực hiện không đúng chức trách”, đồng thời thông báo đóng cửa hoặc tăng cường kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng, trong đó có Ba Lan, Litva và Ukraine: "Chúng tôi buộc phải rút quân đội khỏi đường phố và buộc phải củng cố biên giới quốc gia. Belarus đã tổ chức cuộc bầu cử theo Hiến pháp và luật pháp của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không cần bất kỳ sự công nhận nào bởi cuộc bầu cử đã diễn ra hợp pháp.”

Trên thực tế, Liên minh châu Âu và Belarus không có nhiều quan hệ về kinh tế và chính trị. Tiến trình phê chuẩn thỏa thuận quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên vẫn bị đóng băng từ năm 1997 do sự phản đối của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Thậm chí ngay cả đối với Chính sách láng giềng và Đối tác phía Đông được EU đưa ra lần lượt vào các năm 2004 và 2009, Belarus cũng chỉ được mời tham gia vào các sáng kiến ​​đa phương hay các cuộc đối thoại liên quan tới việc cấp thị thực. Dù năm 2015 quan hệ giữa hai bên đã phần nào được cải thiện sau khi Belarus thả tự do cho các tù nhân chính trị, song điều này là không đủ để hai bên vượt qua những khác biệt. Cuộc gặp dự kiến ngày mai giữa các ngoại trưởng Liên minh châu Âu và thủ lĩnh đối lập Belarus được dự báo sẽ leo thang hơn nữa mối bất hòa giữa hai bên.

Theo Bộ Ngoại giao Belarus, việc kêu gọi trừng phạt và từ chối các mối quan hệ vì lợi ích của người dân châu Âu và Belarus sẽ gây ra nhiều tổn hại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì cho rằng, những đề nghị của Brussels dành cho cựu ứng cử viên Tổng thống Belarus, bà Svetlana Tikhanovskaya và lời mời nhân vật này tham dự một cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đồng nghĩa với hành động can thiệp vào các công việc nội bộ của Belarus. Nga sẽ coi hành động này là một bằng chứng khác về sự rút lui của EU khỏi những tuyên bố trước đây rằng không có bất kỳ yếu tố địa chính trị nào liên quan đến Belarus hoặc bất cứ yếu tố tương đương nào với kịch bản hồi tháng 2/2014 ở Ukraine./.

Từ khóa:

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập