Đường trở về của 7 thanh niên người J'rai bị lừa bán sang Campuchia
Cập nhật: 22/11/2024
Bắt quả tang nhiều người dùng muỗng cà phê làm vật quy đổi khi đánh bạc
Vụ xe đâm tử vong bé 17 tháng tuổi trong nhà ở Tuyên Quang: Lấy mẫu máu nam tài xế
VOV.VN - Với chiêu thức tìm lao động “việc nhẹ lương cao”, những năm gần đây, không ít thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa trở thành nạn nhân của bọn buôn người từ bên kia biên giới.
Chỉ từ những cuộc điện thoại và những lời hứa hẹn suông, nhiều thanh niên đã tự nguyện bước chân vào con đường mạo hiểm, bị đưa qua biên giới bán cho những công ty ở Campuchia. Khi không đáp ứng được yêu cầu của chủ lao động, họ bị bỏ đói, bị đánh đập, bắt gọi điện về nhà đòi tiền chuộc với số tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Dù những kẻ buôn người đã bị pháp luật trừng trị nhưng bẫy "việc nhẹ lương cao" vẫn có thể khiến nhiều thanh niên trở thành nạn nhân khi không có việc làm ổn định, trình độ dân trí thấp.
Xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai cách trung tâm thành phố Pleicu (tỉnh Gia Lai) khoảng 65km. Đa số người dân ở đây là người dân tộc thiểu số, sống chủ yếu bằng nghề nông như trồng lúa, mỳ, cà phê, cạo mủ cao su…Câu chuyện 7 thanh niên người J'rai bị mắc mưu kẻ xấu, bị bán sang Campuchia cách đây hơn 2 năm vẫn trở thành nỗi ám ảnh. Con đường trở về của họ không ít gian nan và hậu quả đến nay vẫn tiếp tục được giải quyết.
Tháng 6/2022, thông qua tài khoản Facebook "Bin Trần", đối tượng Trần Quang Quyết đã kết bạn với Cầm Bá Sáu (sinh năm 1995, trú tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai). Quyết nói với Sáu là cần tuyển người đi làm cho công ty vi tính tại tỉnh Tây Ninh với mức lương từ 18-20 triệu đồng/tháng, muốn tuyển Sáu đi làm nhưng Sáu từ chối. Sau đó, Quyết hứa hẹn với Sáu, nếu giới thiệu được người khác đi làm việc ở Tây Ninh thì sẽ được trả công 1 triệu đồng/người. Cũng từ đây, Sáu đã giới thiệu những thanh niên cùng làng mình cho đối tượng Trần Quang Quyết.
7 thanh niên ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, trong đó có 2 anh em ruột là Puih Thái (1994) và Puih Đại (1998) đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người. Vì tin vào những lời hứa suông, những thanh niên này được đưa xuống Thành phố Hồ Chí Minh, rồi tiếp tục đưa qua biên giới tỉnh Tây Ninh, Long An sang Campuchia bằng con đường tiểu ngạch. Dù biết những thanh niên này không thể đáp ứng được công việc mà chúng cần nhưng những kẻ buôn người vẫn quyết tìm mọi cách móc nối, chúng đã bán những lao động này cho một công ty tại Campuchia với tổng số tiền 13.000 USD (tương đương khoảng 300 triệu đồng).
Công việc mà công ty đòi hỏi là phải biết sử dụng mạng xã hội, sử dụng máy vi tính để thực hiện các hành vi lừa đảo... Tuy nhiên, tất cả 7 thanh niên này đều không đáp ứng được yêu cầu (do không biết chữ hoặc chỉ học hết lớp 5). Họ bị bỏ đói, bị ngược đãi, đánh đập. Chúng yêu cầu họ gọi điện về gia đình với số tiền chuộc 150 triệu đồng/người. Sau nhiều lần các gia đình mặc cả với phía công ty bên Campuchia, cuối cùng, chúng đồng ý mức giá chuộc thấp hơn, người nhiều là 90 triệu đồng, người ít là 60 triệu đồng. Với những đồng bào dân tộc thiểu số ở xã nghèo Ia O, huyện Ia Grai, đây là một số tiền rất lớn.
Bà Kpuil H’pyen - mẹ của Puih Thái và Puih Đại xót xa: “Lúc 2 anh em chúng nó bỏ đi, tôi lo lắm. Không biết chúng đi đâu. Rồi chúng gọi điện về cho chị nó, nói rằng phải có tiền mới được về. Tôi cũng chẳng có tiền, phải bán ruộng đi, vay mượn thêm hàng xóm để đưa chúng nó về”.
Cùng với việc chạy vạy tiền để cứu người thân trở về, các gia đình ở xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, Lực lượng biên phòng đã phối hợp với các đơn vị phía Campuchia đưa những người này trở về quê hương an toàn. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra và bóc gỡ vụ án, đưa những kẻ lừa đảo, buôn người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vụ án đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Hơn 2 năm qua, sau khi 7 nạn nhân được giải cứu, con đường trở về của họ cũng không ít gian nan.
Ông Ksor Chung, thôn trưởng thôn Kloong, xã Ia O cho biết, Puih Thái và Puih Đại cũng như một số thanh niên khác trong làng bị lừa bán đã trở thành bài học cho nhiều thanh niên khác trong thôn.
“Mỗi khi họp làng, họp thôn, chúng tôi cũng đã nói với bà con rằng, công ty nào muốn tuyển lao động thì cũng phải đăng ký qua ủy ban, qua thôn chứ ai lại tuyển lao động qua điện thoại.” - ông Ksor Chung nói.
Hai anh em Puih Thái và Puih Đại thuộc hộ nghèo trong thôn. Thôn Kloong có 124 hộ với khoảng 790 khẩu, trong đó có 30 hộ nghèo. Cũng theo ông Chung, vì thuộc hộ nghèo nên chính quyền địa phương đã dành cho gia đình này sự quan tâm đặc biệt. Cá nhân lãnh đạo tỉnh Gia Lai khi đi thực tế xuống cơ sở đã tặng cho gia đình Puih Thái và Puih Đại một căn nhà cấp 4 trị giá khoảng 70 triệu đồng. Căn nhà gỗ cũ của gia đình chỉ khoảng 20m2, siêu vẹo, có thể đổ bất cứ lúc nào.
Vì không còn ruộng nên cả 4 người trong gia đình Puih Thái và Puih Đại đều phải đi làm thuê. Mỗi ngày đi hái cà phê thuê, họ được trả 120.000 đồng/tạ (trung bình mỗi ngày hái được 2 tạ). Cả hai anh em sau khi trở về cũng được tạo điều kiện để làm công nhân cạo mủ cao su hay học nghề hàn nhưng công việc của họ cũng hết sức bấp bênh.
Vốn đã nghèo, gia đình nạn nhân càng trở nên khánh kiệt sau vụ lừa đảo “việc nhẹ lương cao” từ bên kia biên giới. Sau hơn 2 năm được giải cứu trở về, gia đình nhà Puih Thái và Puih Đại hiện vẫn đang gánh khoản nợ 80 triệu đồng mà chưa biết bao giờ mới trả nợ xong. Hậu quả của những vụ mua bán người không chỉ khắc phục bằng việc đưa họ trở về với cộng đồng.
Trung tá Hồ Quốc Dũng – đội phó Đội phòng chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các bị can đã xâm phạm đến quyền tự do, quyền con người được pháp luật bảo vệ, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn Gia Lai đã xảy ra 4 vụ án mua bán người, trong đó có 3 vu án mua bán người ra nước ngoài (Campuchia, Lào, Myanmar). Các vụ mua bán người đều có nguyên nhân chung là tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, thúc đẩy nạn nhân mạo hiểm, chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy, lực lượng chức năng, nhất là công an cũng như chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc về thủ đoạn, phương thức của những kẻ buôn người để không xảy ra các vụ án tương tự trên địa bàn.
Từ khóa: việc nhẹ lương cao, buôn bán người, Gia Lai, việc nhẹ lương cao
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: quốc phong/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN