Đưa nước mặn vào vùng ngọt nuôi tôm: Hại nhiều hơn lợi
Cập nhật: 05/06/2020
Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng trên 12% năm 2025
Giá vàng hôm nay 27/12: Vàng miếng SJC tăng 200.000 đồng/lượng
VOV.VN - Việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ kéo theo những hệ lụy về sau.
Gần đây, hạn mặn kéo dài gây thiệt hại cho cây trồng vật nuôi nên nhiều nông dân ở tỉnh Bến Tre chuyển sang nuôi tôm biển ngoài vùng quy hoạch. Việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ kéo theo những hệ lụy về sau.
Từ đầu năm đến nay, tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri có hơn 10 hộ dân chuyển đổi từ đất sản xuất lúa sang nuôi tôm biển, nâng số hộ chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm đến nay của xã khoảng 160 hộ với hơn 24 ha ngoài quy hoạch. Để nuôi tôm sú trong vùng ngọt hóa, người dân địa phương còn lén lút khoan giếng lấy nước mặn, cấp bổ vào ao nuôi.
Một hộ dân vừa đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Thới Lai, huyện Bình Đại |
Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Ba Tri cho biết, trên địa bàn xã An Hiệp, người dân chuyển qua nuôi tôm sai quy hoạch do có lợi nhuận cao hơn vùng nuôi trong quy hoạch.
“Trong vùng không được quy hoạch người dân nuôi tôm đạt sản lượng cao hơn vùng cho nuôi. Ngoài ra, người dân cũng tận dụng nuôi tôm tại một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Những hộ nuôi này ít nhiều có gâu ảnh hưởng, xã từ đầu năm đến nay có đề nghị xử lý một số trường hợp.Ngoài ra, xã cũng ngăn chặn việc khoan giếng lấy nước nuôi tôm, nhưng việc này cũng bị hạn chế bởi việc khoan giếng rất dễ, người dân khoan lén trong vùng hẻo lánh nên chính quyền rất khó phát hiện”, ông Chiến cho biết.
Tại xã Thới Lai, huyện Bình Đại, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, tại vùng ngọt hóa đã có vài chục hộ phá bỏ vườn dừa, ruộng lúa nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, ông Hải không biết hiệu quả kinh tế của việc nuôi tôm ra sao và địa phương chưa xử lý trường hợp nào vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Dân, người dân ấp Sân Banh, xã Thới Lai thừa nhận, cá nhân ông cũng như nhiều hộ dân khácđã đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng từ 3-4 năm về trước. Nhưng do kém hiệu quả, nên ao tôm của gia đình ông hiện đang bỏ trống.
“Nuôi tôm thẻ chân trắng tại đây rất khó, có người trúng cũng có người thất bại. Riêng ao nuôi của gia đình cũng có đến 6-7 lần thất bại không biết do kỹ thuật hay lý lý do gì, tôm nuôi có khi hơn 1 tháng chết, đến 2 tháng cũng chết. Giờ phải chờ thời điểm để thả nuôi tôm, nếu không cũng không biết thả nuôi con gì khác”, ông Dân cho biết.
Qua tìm hiểu của phóng viên, đa số người dân nuôi tôm biển ngoài quy hoạch và nuôi trong vùng ngọt hóa là do gần đây tình hình khô hạn, mặn xâmnhập khốc liệt; các mô hình trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái kém hiệu quả. Trong khi đó nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng hiệu quả cao hơn nhiều lần so với các mô hình khác.
Đối với công tác xử lý các trường hợp nuôi tôm trong vùng ngọt hóa, khoan giếng trái phép đưa nước mặn vào nuôi tôm vẫn còn “nhẹ tay” chỉ nặng về tuyên truyền, vận động, giáo dục là chính. Tại một số địa phương còn xuất hiện gia đình cán bộ, đảng viên chưa nêu gương mà còn đào ao nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa.
Tại huyện Ba Tri đã thống kê được hơn 50 ha ao nuôi tôm ngoài quy hoạch của 300 hộ nuôi, chủ yếu ở các xã An Hiệp, An Bình Tây, An Đức, An Ngãi Tây,Tân Xuân…Trong 3 năm qua, chính quyền và các ngành chức năng địa phương đã tổ chức trám lấp 111 giếng khoan, xử phạt 6 trường hợp sử dụng đất sai mục đích với số tiền 7,5 triệu đồng/trường hợp.
Ông Hồ Văn Thương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri cho biết, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không được nuôi tôm trong vùng ngọt hóa vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên do lợi nhuận cao nên bà con vẫn bất chấp, thả nuôi tôm trong vùng ngọt hóa.
“Phòng cũng có phối hợp với các ngành như Tài nguyên - Môi trường, UBNDcác xã thường xuyên tuyên truyền buộc bà con cam kết.Có một số bà con cũng chấp hành nhưng còn một số bà con vẫn chưa thực hiện tốt. Hướng tới xã sẽ vận động bà con thực hiện tốt hơn”, ông Thương nói.
Sau đợt hạn mặn, nhiều nông dân huyện Ba Tri đào ao trên nền đất lúa để nuôi tôm sú. |
Từ đầu mùa khô hạn đến nay, tại nhiều khu vực của huyện Bình Đại, Thạnh Phú đã có hàng trăm hộ dân nuôi tôm ngoài quy hoạch. Dù chủ trương của UBND tỉnh Bến Tre là xử phạt nghiêm khắc và buộc các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản ngoài vùng quy hoạch phải khắc phục hiện trạng, trám lấp các giếng khoan nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương còn lúng túng, chưa mạnh dạn xử lý, buộc các hộ nuôi khắc phục hiện trạng ban đầu.
Việc nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa khi điều kiện hạ tầng, thủy lợi không phù hợp sẽ kéo theo những hệ lụy khó lường, nhất là đất nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước các khu vực lân cận, gây thiệt hại đến sản xuất các mô hình khác và phá vỡ quy hoạch tại địa phương. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động thì cần có biện pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết, tránh trường hợp “đánh trống, bỏ dùi”./.
Từ khóa: nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nuôi tôm nước mặn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN