Dư luận xã hội đòi hỏi phải đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh hơn
Cập nhật: 14/07/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Ông Nguyễn Thái Học cho rằng, dư luận xã hội đang đòi hỏi phải tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh hơn nữa, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.
Chiều 14/7, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân qua 60 năm xây dựng và phát triển”.
Điểm nhấn quan trọng trong phòng, chống tham nhũng
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, thời gian qua, VKSND tối cao đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, trong tổng số 120 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật đối với 77 vụ/776 bị cáo.
Trong đó, có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời; trong số đó có nhiều bị can, bị cáo là những cán bộ giữ chức vụ cao trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
“Kết quả phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thời gian qua được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; tạo bước đột phá, điểm nhấn quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” – ông Nguyễn Thái Học cho biết.
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, qua thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, VKSND tối cao đã góp phần quan trọng làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhiều vụ vượt tiến độ so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo đề ra.
Đặc biệt có một số vụ án, khi kết thúc điều tra, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố trong thời gian rất ngắn, chỉ từ 5 đến 7 ngày, trong khi luật quy định là 60 ngày, như vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại PVC; vụ án tham ô xảy ra tại PVLand liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác; vụ án liên quan đến việc PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Ngoài ra, VKSND tối cao đã quan tâm thực hiện các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách, quy định, góp phần hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng và thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.
Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua tuy đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, song theo ông Nguyễn Thái Học, tham nhũng trong nhiều lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc cho người dân. Dư luận xã hội đang đòi hỏi phải tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh hơn nữa, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, “không dừng”, “không nghỉ”, “không được chùng xuống”.
Do vậy, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thời gian tới rất nặng nề, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có ngành Kiểm sát nói chung và VKSND Tối cao nói riêng cần phải tích cực, chủ động, quyết liệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm.
Quản lý, lựa chọn đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, liêm chính
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, thời gian tới, VKSND tối cao cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng và các cơ quan chức năng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, giám định, định giá tài sản … giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo xử lý đúng người, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Việc xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ có nhiều khó khăn, phức tạp, quá trình giải quyết dễ bị cám dỗ, tác động, chi phối. Do vậy cần chú trọng xây dựng, quản lý, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, liêm chính, trung thực, có kiến thức, chuyên môn sâu, có phẩm chất đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương đã nêu những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ, nhà nước và pháp luật, về thanh tra, kiểm tra và giám sát tư pháp cần quán triệt và vận dụng trong ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay. Qua đó nêu bật những tư tưởng lớn, sáng suốt của Người mãi mãi còn nguyên giá trị và ý nghĩa cho hoạt động tư pháp, cho đội ngũ cán bộ tư pháp của chúng ta ngày nay, trong đó có thiết chế Kiểm sát nhân dân và Kiểm sát viên, từ tổ chức đến hoạt động của Ngành; về năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ công chức trong Ngành.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đầu ngành và những diễn giả có công trình nghiên cứu tâm huyết, chuyên sâu đã rút ra nhiều luận điểm, luận cứ khoa học đầy đủ và toàn diện về tổ chức và hoạt động VKSND qua 60 năm hình thành và phát triển./.
Từ khóa: tham nhũng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, Viện kiểm sát, Trịnh Xuân Thanh
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN