Du lịch miền Trung: Biến “nguy” thành “cơ”, tái thiết du lịch
Cập nhật: 02/07/2020
VOV.VN -Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng là lúc ngành du lịch Việt Nam cần xem đây là cơ hội để tái thiết du lịch bền vững và kiên cường hơn.
Việc các địa phương tung ra gói kích cầu, giảm giá sâu chỉ là giải pháp tình thế, mang tính ngắn hạn để kích thích người dân đi du lịch trở lại. Việt Nam đã qua thời “du lịch đại trà” và hiện không còn bền vững như những giai đoạn trước. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng là lúc ngành du lịch Việt Nam cần xem đây là cơ hội để tái thiết du lịch bền vững và kiên cường hơn.
Một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh (Đà Nẵng) sẵn sàng đón du khách trở lại khám phá, nghỉ dưỡng. |
Tại hội thảo bàn giải pháp khôi phục du lịch được tổ chức mới đây tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nêu những con số đáng quan tâm. Đó là, đại dịch Covid-19 đã làm 19% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động và giảm quy mô, trên 90% nhân sự dịch vụ du lịch thất nghiệp và 98% nhân sự ngành hàng không ngừng hoạt động, khoảng 4.700 doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Nét kiến trúc châu Âu ở Khu du lịch Bà Nà Hills luôn hấp dẫn du khách 4 mùa. |
Theo ôngMichael Croft,những con số thiệt hại chưa từng có tiền lệ. Nhưng, khủng hoảng này cũng tạo cho Việt Nam cơ hội thay đổi cách thức tiếp cận nhằm cơ cấu lại ngành du lịch theo một cách thức khác, bền vững và kiên cường hơn:“Đối với du lịch đại trà đang không bền vững như những giai đoạn trước thì đây lại là cơ hội để Việt Nam thiết kế lại các sản phẩm du lịch. Làm cho những trải nghiệm du lịch đó hấp dẫn hơn với những vị khách luôn tìm kiếm những kỳ nghĩ đặc biệt, tại những địa danh đặc biệt. Phát triển bền vững không phải là việc chậm hóa quá trình lại mà là tiếp cận theo một phương thức mới.”
Sau đại dịch Covid-19, có một sự dịch chuyển về xu hướng đi du lịch của người Việt Nam. Đó là đi du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình người thân, chất lượng cao và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Điều này đòi hỏi, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần tận dụng những cơ hội thay đổi trong xu hướng tiêu dùng du lịch mới này. Trong bối cảnh chưa thể mở cửa đón khách quốc tế, phát triển khách nội địa là giải pháp cứu cánh, từng bước vực dậy ngành du lịch. Thế nhưng, từ đây cũng nảy sinh cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Các doanh nghiệp đua nhau đưa ra những tour đại hạ giá để hút khách. Doanh nghiệp nhỏ vốn đã kiệt quệ do dịch bệnh kéo dài, nếu chạy đua và giảm giá quá sâu sẽ phải đối mặt nguy cơ phá sản.
Ông Vũ Thế Bình-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. |
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch là một sản phẩm liên vùng, không ai đi du lịch chỉ đến một chỗ. Vì vậy, các địa phương phải hỗ trợ nhau để thiết kế những tour hấp dẫn nhất."Liên kết giữa các địa phương luôn luôn là một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch. Liên kết các doanh nghiệp, liên kết giữa các điểm đến. Vì vậy, chỗ thăm danh lam, thắng cảnh, chỗ thì tham di tích, chỗ thì có thể nghỉ dưỡng và thưởng thức các sản vật của địa phương", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, các địa phương đã có sự liên kết để phát triển du lịch. Đơn cử, 3 địa phương trọng điểm du lịch miền Trung là Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã triển khai chương trình liên kết kích cầu du lịch nội địa “3 địa phương 1 điểm đến”. Thế nhưng, liên kết bây giờ không chỉ dừng lại ở cấp chính quyền địa phương mà bản thân các doanh nghiệp dịch vụ du lịch phải liên kết. Hiện nay, một số địa phương đã thành lậpQuỹ Xúc tiến phát triển du lịch. Theo ông Cao Trí Dũng, đây là điểm mới trong hoạt động xúc tiến. Các đơn vị kinh doanh du lịch phải chung tay góp Quỹ đểthực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch kinh doanh hiệu quả.
Ông Cao Trí Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng |
“Khi có thực thể này, doanh nghiệp quá lợi. Lây nay những "ông lớn" chỉ biết ngồimột chỗ nhận khách lấy tiền chứ không tham gia vào hoạt động xúc tiến. Cho nên bây giờ mình dùng nguồn lực đó để xúc tiến.Mỗi đơn vị xúc tiến đơn lẻ thì cộng hết vào cùng đi, cũng mất chừng đó tiền nhưng hiệu quả hơn rất nhiều. Đi một mình làm sao bằng cả tập thể, cộng đồng doanh nghiệp cùng đi được. Ví dụ, trước đây một mình đi xúc tiến ở Ấn Độ mất cả chục tỷ đồng bây giờ, chỉ cần góp 1 tỷ là có thể đi được, lợi hơn nhiều", ông Cao Trí Dũng cho biết.
Việt Nam đã từng trải qua các đợt khủng hoảng du lịch do ảnh hưởng Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng (SASR) vào 20 năm trước, sau đó là khủng hoảng về tài chính năm 2008 và bây giờ đại dịch Covid-19. Thế nhưng, lần này, quy mô ảnh hưởng lớn hơn, kéo dài hơn và chưa biết bao giờ mới dừng lại.Theo dự báo của các chuyên gia du lịch, phải tớinăm 2022, thậm chí có thể lâu hơn nữa Việt Nam mới có thể đón đượclượng khách quốc tế đến như năm 2019.
Đại Nội Huế nhộn nhịp khách du lịch tham quan từ khi mở của đón khách trở lại. |
Theo Tiến sĩ Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, nền tảng của du lịch hiện đã về con số 0. Chính vì thế, các doanh nghiệp du lịch phải tính toán làm thế nào giảm chi phí, có được dòng tiền để tồn tại. Thị trường nội địa hồi phục đầu tiên,sau đólà thị trường khách Trung Quốc, các nước châu Á khácrồi đến các thị trường Âu, Mỹ.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cho rằng, nếu kiểm soát dịch tốt và mở cửa thị trường khách quốc tế thì năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 65 triệu khách du lịch nội địa và khoảng từ 6 đến 7 triệu khách quốc tế:“Chúng tôi hy vọng, chúng ta hoàntoànmở được một số thị trường khách quốc tế cuối tháng 7, tháng 8 tuỳ theo tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, thị trường nội địa chúng ta phải chú ý, đó là cơ sở ít nhất trong vòng 6 tháng tới để giữ công ăn việc làm và đặc biệt chúng ta có thể tạo ra dòng khách mới, yêu hơn sản phẩm trong nước”.
Điện Thái Hòa trong quần thể Đại nội Huế. |
Trải qua đại dịch Covid-19, Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia kiểm soát và phòng chống dịch rất tốt và là điểm đến an toàn nhất thế giới. Đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng du lịch nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng, quảng bá hình ảnh điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới. Từ đây, cần thúc đẩy mạnh du lịch nội địa là một bước đột phá tạo ra ấn tượng cho du lịch quốc tế nhìn vào.
Ông Hà Văn Siêu, PhóTổng cục Trưởng Tổng Cục Du lịch. |
Ông Hà Văn Siêu, PhóTổng cục Trưởng Tổng Cục Du lịch nhận định, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát an toàn trên thế giới, thời gian tới sẽ có làn sóng khách quốc tế đến Việt Nam.Đây cũng là thời điểm đòi hỏi các doanh nghiệp lớn phải chủ động thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường của mình để tạo ra những “cú hích” mạnh mẽ góp phần định hướng và khôi phục thị trường du lịch trong nước: "Kích cầu là tạo ra sự gắn kết giữa điểm đến với thị trường; khuyến khích, kích thích khách du lịch đến với điểm du lịch nhiều hơn và được quan tâm hơn như một sự trọng thị chào đón. Từ việc làm tốt du lịch nội địa sẽ là một bằng chứng tự tin để chuẩn bị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau này khi điều kiện cho phép".
Toàn cảnh TP Đà Nẵng- Nhìn từ đầu nguồn sông Hàn. |
Đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch Việt Nam gần như tê liệt. Thế nhưng, một hình ảnh Việt Nam đang lên trong mắt bạn bè quốc tế khi chúng ta kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh ngoài mong đợi. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, việc khôi phục lại ngành du lịch sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, dự cảm về một làn sóng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát. Lúc này, các đơn vị làm du lịch cần liên kết cùng “phá băng” vượt qua giai đoạn khó khăn để giữ hình ảnh điểm đến, dịch vụ chờ cơ hội đón dòng khách du lịch mới./.
Từ khóa: du lịch miền trung, covid-19, du lịch phục hồi sau covid-19, dịch covid-19, du lịch đà nẵng
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN