Dự báo CPI năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,5% - 4,0%
Cập nhật: 02/07/2020
Petrovietnam quyết tâm hoàn thành Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 trước năm 2027
Điện Biên hướng tới mục tiêu trở thành "thủ phủ mắc ca" của cả nước
VOV.VN - Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 sẽ đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng trung bình dưới 0,6%/tháng.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020 tổ chức sáng nay 2/7, tại Hà Nội.
Đầu năm 2020, các chuyên gia đã đưa ra dự báo chỉ số giá tiêu dùng CPI trong năm nay sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% (+/-0,5%). Nhưng đến nay CPI tháng 6 đã tăng 0,66% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong các năm từ 2016 đến nay. CPI bình quân 6 tháng tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước.
Toàn cảnh hội thảo |
Lạm phát trung bình quanh mức 3,5%
Phân tích về diễn biến giá cả và lạm phát, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2020, có 2 diễn biến bất ngờ ảnh hưởng mạnh đến tốc độ tăng của chỉ số CPI. Đó giá thịt lợn tăng và giá dầu giảm.
Trong đó, giá thịt lợn tăng trên 100.000 đồng/kg và trở thành nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm trong 6 tháng đầu năm nay tăng tới 14,28% so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó gây áp lực lên chỉ số giá CPI tổng thể.
Ở chiều ngược lại, do dịch bệnh Covid-19, giá dầu (WTI) trên thị trường thế giới đã giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 57 USD/thùng trong quý 4/2019 xuống còn trung bình khoảng 27 USD/thùng trong quý 2/2020. Việc giá xăng dầu giảm mạnh đã khiến chỉ số giá giao thông giảm trung bình 9,26% trong 6 tháng đầu năm nay và cân bằng phần lớn các tác động tiêu cực từ việc giá thịt lợn bị neo ở mức cao.
"Giá xăng dầu giảm đã kéo chỉ số giao thông giảm trung bình 9,26% trong 6 tháng đầu năm và cân bằng phần lớn các tác động tiêu cực từ việc giá thịt lợn neo ở mức cao", TS. Nguyễn Đức Độ nói.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến cho lạm phát cơ bản trong 6 tháng đầu năm tăng chậm hơn, ở mức trung bình 2,81% so với cùng kỳ năm trước.
“Kết quả là đến nay, tốc độ tăng CPI trung bình trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ ở mức 4,19%, hơi cao hơn một chút so với mức mục tiêu đặt ra là 4%”, TS.Nguyễn Đức Độ bình luận.
Nói về triển vọng, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, với việc lạm phát so với cùng kỳ năm trước hiện chỉ ở mức 3,17%, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 sẽ đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng trung bình dưới 0,6%/tháng.
“Điều này hoàn toàn khả thi, bởi áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ không quá lớn do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối năm 2020, nên giá dầu sẽ khó tăng mạnh. Nhiều khả năng giá dầu (WTI) sẽ xoay quanh mức 40 USD/thùng trong thời gian tới, nếu dịch bệnh Covid-19 được các nước khống chế thành công”, TS. Độ dự báo.
Mặt khác, giá thịt lợn có thể không giảm mạnh như mong đợi, nhưng cũng sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới, khi Chính phủ cho phép nhập khẩu thịt lợn hơi, lợn giống, đồng thời người nông dân đẩy mạnh tái đàn.
“Chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát trung bình năm 2020 sẽ xoay quanh mức 3,5% (+/- 0,5%) như đã đưa ra từ đầu năm nay”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.
Thận trọng nhưng phải linh hoạt
Còn theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc điều hành giá và kiểm soát lạm phát năm 2020 sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây do thế giới đang trong cuộc khủng hoảng chưa từng có – Covid-19. Đòn Covid-19 làm cho nền kinh tế không chuyển động. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng thấy đẩy giá lợn trong nước lên cao.
Việc điều hành giá và kiểm soát lạm phát năm 2020 sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều |
“Giá thịt lợn vẫn cao, giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu tăng trở lạip; Dự báo sách giáo khoa tăng 2,5 - 3 lần, các chính sách kích cầu và hỗ trợ hồi phục nền kinh tế sau Covid-19 là những yếu tố tác động đến nỗ lực kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2020”, PGS. TS. Ngô Trí Long cảnh báo.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam, song làn sóng thứ 2 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới khiến các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn, đứt gãy. Nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, buộc các quốc gia đóng cửa, khiến các thị trường tài chính chao đảo lần nữa, thì những nước dễ bị tổn thương có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ, làm suy yếu thêm các nỗ lực phục hồi kinh tế. Việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam khó khăn hơn mấy năm trước rất nhiều.
Tuy nhiên, PTS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, sức cầu trong nước vẫn khá yếu và tăng trưởng tín dụng dự kiến chỉ ở mức 9-10% nên lạm phát 2020 vẫn trong tầm kiểm soát.
“Cần tiếp tục khẳng định niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Nhìn chung áp lực là có nhưng có thể vượt qua khi các cơ quan điều hành chính sách thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, như thế mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% có thể đạt được”, PGS. TS. Ngô Trí Long tin tưởng.
Để làm được điều này, PGS. TS. Long cho rằng, công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, theo dõi sát diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.
“Điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính”, PGS. TS. Ngô Trí Long khuyến cáo./.
Từ khóa: CPI, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, kiểm soát lạm phát, CPI năm 2020
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN