Đồng bào vùng cao Sơn La chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất khi mưa kéo dài

Cập nhật: 19/08/2024

VOV.VN - Đồng bào dân tộc Thái, Mông ở Sơn La với tập quán sinh sống ven suối và trên các sườn đồi núi dốc, mỗi mùa mưa thường đối mặt với nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất. Thực tế trong đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 2 vừa qua, trên địa bàn có 12 người chết và mất tích, chủ yếu đều do sạt lở đất và lũ cuốn trôi.

 

Chính vì vậy, để giảm thiểu các thiệt hại do mưa lũ gây ra, khi trên địa bàn tỉnh Sơn La đang có đợt mưa lớn, các địa phương đã, đang chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chú ý đề phòng với lũ quét và sạt lở đất.

Xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La có 17 bản thì có 14 bản đồng bào Mông sinh sống rải rác trên các sườn đồi. Trong đợt mưa lớn vừa qua, 1 người phụ nữ ở xã đã thiệt mạng do bị nước lũ cuốn trôi trong lúc người này qua suối đi nhổ mạ về trồng lúa; hơn 1 ngày sau các lực lượng phối hợp mới tìm thấy thi thể ở cách nơi bị nạn tới 50km.

Ông Thào A Súa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, khi trời có mưa, bà con tiếc của nên thường đi xem nương, xem ruộng, hoặc ra xem ao… mà không biết nguy hiểm trực chờ. Chính vì vậy, trước và trong mỗi đợt mưa lũ, xã đều tăng cường tuyên truyền để bà con biết, chủ động phòng tránh.

"UBND xã đã phối hợp với các bản rà soát những cái khu nào có nguy cơ sạt lở đất thì cảnh báo và đã di dời những cái hộ ở khu vực đấy. Đường đi lại những khu nào dễ sạt lở thì cũng cảnh báo để mọi người biết và giảm bớt đi lại để tránh thiệt hại", ông Thào A Súa cho hay.

Tại xã vùng cao Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, ông Lù A Dủa, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, may mắn đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 2 vừa qua, xã không bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, nhiều diện tích nương cây ăn quả và một số vị trí trên tuyến đường liên xã cũng bị sạt lở.

Trước dự báo trên địa bàn tỉnh sẽ có đợt mưa lớn kéo dài đến 1/8, cấp uỷ, chính quyền xã đã, đang triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng tránh, ứng phó với mưa lũ để giảm thiểu các thiệt hại.

"Đảng uỷ xã đã chỉ đạo các bản tuyên truyền, các hộ dân ở vùng nguy cơ cao có thể sạt lở thì khi có mưa kéo dài là nghiêm cấm các hộ dân không được đi chơi lại, kể cả đi bộ và phương tiện. Đồng thời, tập trung ở bản để đảm bảo an toàn chứ không ở lẻ tẻ ở nương, ở ruộng, hoặc ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao", ông Lù A Dủa nói.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thiên tai thường diễn biến đột xuất, bất ngờ. Thực tế qua cơn bão số 2 vừa qua cho thấy, địa phương nào chủ động trong phòng, chống, ứng phó thì thiệt hại thấp hơn nhiều so với những nơi mà bà con còn chủ quan. Chính vì vậy, cùng với tích cực chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ, ngay trước và trong đợt mưa lũ dự báo kéo dài đến ngày 1/8 này, công tác tuyên truyền được tỉnh xác định là một trong những giải pháp trọng tâm trong ứng phó nhằm giảm thiểu các thiệt hại.

"Chúng ta phải tuyệt đối chấp hành, không được ra sông, ra suối, không bắt cá, không đi vớt củi... và tuyệt đối không được di chuyển vào những vùng có nguy cơ sạt lở cao. Huy động các lực lượng sẵn sàng chiến đấu là các lực lượng công an, quân đội đứng chân trên địa bàn để ứng trực kịp thời, di chuyển nhanh nhất người và tài sản ra khỏi khu vực sạt trượt để đảm bảo an toàn", ông Công khẳng định.

Bằng sự chủ động của chính quyền địa phương và nâng cao ý thức phòng tránh, ứng phó của người dân, Sơn La cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản do lũ quét, sạt lở đất gây ra.

Từ khóa: mưa lũ, mưa lũ, sơn la, sạt lở đất, lũ quét, vùng cao

Thể loại: Xã hội

Tác giả: thu thùy/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập