“Đồng bào Việt phục” – Dự án của bạn trẻ Tây Đô kết nối tình yêu dân tộc

Cập nhật: 05/02/2022

(VOV5) - Đến nay đồ án “Đồng bào Việt phục” trở thành một dự án cộng đồng dài hơi, lan toả nét đẹp trang phục truyền thống của người Việt.

“Đồng bào Việt phục” là đề tài tốt nghiệp với chủ đề trang phục dân tộc của nhóm bạn trẻ Trường Đại học FPT Cần Thơ. Nhận được những phản hồi tích cực sau khi chia sẻ vài hình ảnh đầu tiên lên mạng xã hội, nhóm bạn trẻ phát triển thành Dự án phi lợi nhuận, để lan tỏa văn hóa của các dân tộc anh em tới nhiều người. Áp dụng mô hình thực tế ảo tăng cường AR vào tranh minh họa, “Đồng bào Việt phục” càng nhanh chóng trở thành Dự án sách được nhiều người tìm kiếm và cũng trở thành tài liệu tham khảo cho những ai yêu mến văn hóa các dân tộc anh em.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Đồng bào Việt phục” là dự án sách kết hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường AR, minh họa trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Ban đầu, “Đồng bào Việt phục” vốn chỉ là đồ án tốt nghiệp của 3 sinh viên: Trầm Minh Thảo, Lê Vũ Huyền Trân và Đặng Thảo Nhi, chuyên ngành thiết kế đồ họa, Trường Đại học FPT Cần Thơ. Các bạn trẻ mong muốn qua công nghệ thực tế ảo tăng cường sẽ góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa các dân tộc.
“Đồng bào Việt phục” – Dự án của bạn trẻ Tây Đô kết nối tình yêu dân tộc - ảnh 1Dự án " Đồng bào Việt phục" hiện có sự tham gia của 15 thành viên, sống tại Cần Thơ, TP HCM và Hà Nội

Từ tâm huyết đó, nhóm đã phát triển đề tài thành sản phẩm artbook với 108 hình ảnh, 200 trang layout thể hiện sinh động các bộ nam phục và nữ phục truyền thống của 54 dân tộc anh em. Thời gian đầu, nhóm gặp không ít khó khăn từ việc tra cứu, tìm kiếm thông tin về văn hóa các dân tộc, thiết kế trang phục và nhất là việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR cho các nhân vật.

Chị Trầm Minh Thảo, Phụ trách thiết kế Dự án “Đồng bào Việt Phục” chia sẻ: "Đây là một chủ đề ít người tìm hiểu cho nên là lượng kiến thức, lượng thông tin có sẵn rất là ít, tụi em cũng đã cố gắng tra cứu nhiều thông tin khác nhau để tìm ra cái chung nhất và đưa vào sách để minh họa lại, tổng cộng có 108 hình. Tụi em chỉ có 3 tháng làm, vừa vẽ, vừa làm sách và vừa làm card nữa thì số lượng công việc rất là nhiều."

Vượt qua những khó khăn, với sự say mê của nhóm về văn hóa truyền thống, cùng sự hướng dẫn của giảng viên, nhóm đã báo cáo thành công đồ án tốt nghiệp. Sau khi tham khảo với cố vấn mỹ thuật thì đến nay đồ án “Đồng bào Việt phục” trở thành một dự án cộng đồng dài hơi, lan toả nét đẹp trang phục truyền thống của người Việt. Hiện dự án đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và nhận được sự quan tâm tích cực từ xã hội.

Anh Nguyễn Sơn Tùng, Giám đốc sáng tạo Dự án “Đồng bào Việt phục” cho biết, mặc dù có nhiều thay đổi để kích thích sự tò mò của giới trẻ tìm hiểu văn hóa các dân tộc, nhưng các tác phẩm hiện tại vẫn chưa hoàn hảo do các thành viên còn thiếukiến thức chuyên môn lĩnh vực này, cùng với hạn chế di chuyển mùa dịch và chi phí có hạn nên không thể trực tiếp nghiên cứu tại địa phương hay cộng tác với chuyên gia. Vì vậy, sau khi hoàn tất sản phẩm cho đồ án, nhóm sẽ tiếp tục chỉnh sửa để Dự án ngày càng hoàn chỉnh:

Băng 2 (34’’): Mong muốn lớn nhất của Tùng khi bắt đầu Dự án này đó là rất mong và hy vọng đem đến một chút gì đó, một tinh thần đoàn kết, gắn kết giữa các dân tộc anh em đang cùng nhau sống trên dải đất hình chữ S. Ngoài ra rất là mong muốn đem đến những văn hóa của các dân tộc mình được quảng bá rộng rãi hơn đến tất cả mọi người, đến cộng đồng và nhiều nhất trong tương lai sẽ là bạn bè quốc tế.

Mỗi thành viên trong dự án “Đồng bào Việt phục” là một màu sắc, một cá tính sáng tạo khác nhau. Dựa trên bản phác thảo của Minh Thảo, Huyền Trân sẽ thực hiện một số thao tác diễn hoạt trên máy bằng phần mềm để các hình ảnh có thể chuyển động. Không chỉ tỉ mỉ và chính xác trong từng chi tiết đặc trưng trên trang phục các dân tộc, phần âm nhạc cũng được nhóm nghiên cứu nhạc cụ dân tộc phù hợp.

Để hoàn thiện sản phẩm, nhóm sinh viên trường Đại học FPT Cần Thơ mất hơn 15 tuần với những công đoạn phác thảo, tìm thông tin, sử dụng minh họa, thiết kế đồ họa để thiết kế và áp dụng công nghệ làm video. Chỉ cần mở camera điện thoại, quét mã QR trên trang sách, người xem khắp cả nước sẽ nhìn thấy hình ảnh nổi của các nhân vật và tương tác ngay trên màn hình thông qua hình ảnh sinh động, âm thanh trên ứng dụng. Điều thú vị là mỗi trang sách trong “Đồng bào Việt phục” không chỉ mang đến các bộ nam phục và nữ phục truyền thống của mỗi dân tộc mà còn cung cấp thông tin chất liệu, họa tiết, ý nghĩa của trang phục đến với người đọc, người xem.

Anh Trần Thái Thành (32 tuổi), ở quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, hiện là nhân viên công ty chuyên thiết kế đồ họa cho biết:

Băng 3 (33’’): Tình cờ tôi biết được đến Dự án “Đồng bào Việt phục” trên mạng xã hội, ngay lập tức tôi khá ấn tượng với Dự án này. Hình ảnh về trang phục của đồng bào trên mạng xã hội rất là nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy có sự kết hợp với công nghệ thực tế tăng cường. Lần đầu trải nghiệm tôi thấy nó rất sống động, đối với những người thích khám phá như tôi cuốn sách này thực tế rất hữu ích. Tôi có thể lưu lại những thông tin về những dân tộc mà tôi yêu thích.

Nhận thấy được thông điệp tích cực mà “Đồng bào Việt phục” mang lại, dự án đã thu hút thêm nhiều bạn trẻ tham gia. Hiện dự án có 15 thành viên là các bạn sinh viên mới ra trường, số ít đã đi làm có khoảng 2-3 năm kinh nghiệm, sống ở Cần Thơ, TP HCM và Hà Nội, được chia thành 2 đội, thiết kế và marketing. Mỗi tuần họp trực tuyến, nhóm sẽ phân công một thành viên đảm nhận vai trò lên kế hoạch ý tưởng và nội dung cho tuần tiếp theo.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, sống tại thành phố Cần Thơ, sau một thời gian tìm hiểu Dự án “Đồng bào Việt phục” bày tỏ: Dự án này khác với cách giới thiệu văn hóa truyền thống thông thường là thông qua chữ, hình ảnh trên sách, báo. Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo của các bạn trẻ phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện đại, kích thích sự tò mò không chỉ riêng với giới trẻ mà cả những người muốn tìm hiểu về các dân tộc:

Băng 4 (31’’): Tôi thấy Dự án này rất hấp dẫn, thời buổi hiện đại mà có nhóm bạn trẻ làm được công việc bảo tồn những giá trị truyền thống, tôi đánh giá cao, việc làm rất tích cực. Hy vọng, nó đã lan tỏa rồi thì sức lan tỏa của Dự án này nó sẽ càng rộng rãi và đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu về cội nguồn, những thành tựu của cha ông mình. Đồng thời có thêm niềm yêu văn hóa dân tộc, thêm lòng tự hào về văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa trang phục.

Toàn bộ 108 hình minh họa trang phục truyền thống 54 dân tộc đã được nhóm đăng tải trên trang Facebook “Đồng bào Việt phục”. Những bài viết với lời giới thiệu hóm hỉnh, gần gũi, chắc chắn sẽ tạo sức hút cho tất cả mọi người. Đồng thời, việc tái hiện bằng phần mềm hiện đại, mới lạ sẽ giúp mọi người chủ động khám phá những giá trị văn hoá truyền thống bao đời dường như đang dần bị lãng quên trong cuộc sống ngày nay

Từ khóa:

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập