Đồng bào dân tộc thiểu số Cao Bằng: Hội nhập và phát triển bền vững
Cập nhật: 2 giờ trước
Quảng Bình di dời khẩn cấp 140 người do sạt lở đất (05/11/2024)
Ô nhiễm không khí – Người dân chủ động hơn trong ứng phó (05/11/2024)
Sáng nay (5/11), tại Cao Bằng, khai mạc Đại hội Dân tộc thiểu số lần IV, nhiệm kỳ 2024-2029 với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Cao Bằng đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” với sự tham dự của 244 đại biểu, đại diện cho 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới với gần 95% là đồng bào DTTS. Thời gian qua, địa phương này đã tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nghề làm giấy truyền thống của đồng bào Dao ở Cao Bằng được gìn giữ
Bà Trịnh Thị Xuyến (dân tộc Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc) cho biết: Những năm qua, đồng bào Lô Lô đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, từ xây dựng đường giao thông, điện lưới quốc gia, xây công trình nước sạch; con em đồng bào Lô Lô đi học được Nhà nước hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí hàng tháng; người dân được dạy nghề đan lát, may thêu truyền thống và cấp cây, con giống giúp đời sống bà con ngày càng khấm khá hơn. Xóm Khuổi Khon còn được đầu tư để trở thành điểm du lịch cộng đồng trên cơ sở bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào Lô Lô. “Ở Khuổi Khon bây giờ đã có một số hộ biết làm du lịch và có thu nhập từ mô hình này. Con em đi học thì được tuyển thẳng vào các trường nội trú, bán trú, kể cả trường chuyên nghiệp cũng không mất học phí, giờ xóm có 3 hộ có con đi học đại học rồi. Hy vọng là điều này sẽ làm thay đổi nhận thức của đồng bào và có nhiều con em đến trường hơn nữa”. Bà Trịnh Thị Xuyến nói.
Đồng bào Mông tại Cao Bằng phát triển nghề dệt thổ cẩm
Hiện gần 99% số xã tại tỉnh Cao Bằng đã có đường ô tô đến trung tâm được thảm nhựa hoặc đổ bê tông, hơn 83% đường trục thôn bản được cứng hóa; GRDP bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh Cao Bằng đạt 41,49 triệu đồng/người/năm, tăng 16% so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm trên 4%; kinh tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Cao Bằng ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Cao Bằng ngày càng được nâng cao
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Cao Bằng đánh giá: “Việc thực hiện công tác dân tộc ở tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, phải kể đến một phần không nhỏ công lao, đóng góp của đồng bào DTTS, đặc biệt là những người cốt cán, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Đóng góp to lớn nhất: chính là sự tin tưởng, đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng hưởng lợi từ các chương trình, dự án…”.
Hiện nay trên địa bàn Cao Bằng có 35 thành phần dân tộc cùng sinh sống
Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần xã, xóm đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số…
Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn là một trong những ưu tiên quan tâm của địa phương
Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, gắn với công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào thi đua... quan tâm củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò, trách nhiệm đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ và người có uy tín tại thôn bản…”.
Đại hội có sự tham dự của 244 đại biểu, đại diện cho 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn
Cô gái Tày Cao Bằng cùng cây đàn tính
Đại hội cũng đã thông qua quyết tâm thư khẳng định, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát huy truyền thống “Cội nguồn” cách mạng, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đồng lòng, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức, sát cánh cùng đồng bào cả nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Công Luận/VOV Đông Bắc
Từ khóa: #đồng bào #thiểu số #cao bằng
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV1