“Dọn ổ đón đại bàng” cần chú trọng vào công nghiệp hỗ trợ
Cập nhật: 23/03/2021
Bắc Ninh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm dịp Tết
Giá vàng hôm nay 23/1: Vàng miếng và vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh
VOV.VN - Để đón dòng đầu tư mới, Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ ở những phân khúc cao hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, việc Việt Nam thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 đã khiến nhiều nước trên thế giới chuyển dịch dòng đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả lợi thế này, Việt Nam cần tập trung gia tăng giá trị bằng cách đón nhận dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hướng tới đầu tư vào những phân khúc cao hơn, nghiên cứu phát triển và phân phối hay là làm thương hiệu cho lĩnh vực này, nhằm đem lại giá trị cao hơn cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, ông Jacques Morisset đánh giá, năm 2020 Việt Nam đã thành công hơn nhiều nước khác trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid 19. Đây được xem là một lợi thế cạnh tranh giúp Việt Nam có thể thu hút được đầu tư nước ngoài và Việt Nam đã thắng trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài này.
Theo đó, không chỉ là các đầu tư mới mà cả các nhà đầu tư hiện đã có mặt ở Việt Nam đã quyết định sẽ dịch chuyển một số tài sản, sản xuất của họ sang Việt Nam. Cụ thể như những nhà máy ở Bangladesh, Mexico…một mặt vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng đối với những nhà máy hoạt động gần Việt Nam, họ quyết định là sẽ chuyển sang Việt Nam. Chính điều này đã khiến cho thành tích xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 cũng đã tăng trưởng rất là tốt, đạt trên 281 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam khẳng định, các nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm một nơi đầu tư an toàn, thuận lợi và mang lại lợi ích cho họ cũng như đóng góp cho sự phát triển của kinh tế địa phương và kinh tế toàn cầu. Trong năm 2020 Việt Nam đã chứng tỏ là một điểm đến đáp ứng được rất nhiều những tiêu chí mà nhà đầu tư đặt ra. Đây cũng sẽ là tiền đề để năm nay Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Theo ông Bình, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định về mặt kinh tế vĩ mô, vừa duy trì được sự ổn định về mặt chính trị. Đây là một điều vô cùng quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thứ 2 là khả năng kiềm chế cũng như khống chế dịch bệnh của Việt Nam trong 2020 đã rất tốt, tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia khác đang cạnh tranh về nguồn vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam.
“Điều này là một yếu tố rất quan trọng đối với nhà đầu tư. Cùng với đó, những chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn thân thiện, sẽ tiếp tục đóng góp cho việc thu hút của nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021 cũng như là trong một vài năm tới”, ông Bình phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tận dụng được các luồng chuyển dịch đầu tư từ các nước, Việt Nam cần tập trung thu hút vào việc tiếp nhận dòng đầu tư phân khúc cao hơn cho lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất kém phát triển, mới chủ yếu là gia công, lắp ráp. Nếu không chịu đi lên thì chúng ta mãi vẫn chỉ sử dụng nguồn lao động rẻ.
Vì vậy, phải gia tăng giá trị bằng cách đón nhận dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này, cần hướng tới đầu tư vào những phân khúc cao hơn, nghiên cứu phát triển và phân phối hay là làm thương hiệu…Qua đó nhằm đem lại giá trị cao hơn, cũng như đưa nước ta ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Để thu hút hơn nữa sự chuyển dịch đầu tư cần có sự chuẩn bị về thể chế, chính sách về thủ tục. Thứ hai là chuẩn bị về mặt bằng và không gian cho các nhà đầu tư, không phải chỉ có việc chuẩn bị về nhà xưởng mà còn chuẩn bị các dịch vụ, đảm bảo 1 hệ sinh thái cung cấp đầy đủ các dịch vụ cần thiết cho phát triển doanh nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần đẩy mạnh hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo các công nhân kỹ thuật sẽ là điều rất quan trọng cho phát triển thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất./.
Từ khóa: thu hút đầu tư, chuyển dịch, dòng vốn đầu tư, công nghiệp hỗ trợ
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN