Đối ngoại đóng góp vào quá trình đổi mới tư duy trên các lĩnh vực
Cập nhật: 16/07/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Ngành đối ngoại sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong củng cố môi trường hòa bình, ổn định.
VOV giới thiệu toàn văn bài viết củaThứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với tiêu đề: “Đóng góp của ngành đối ngoại trong quá trình đổi mới tư duy, phục vụ sự nghiệp Đổi mới”:
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn |
"Sau gần 35 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay”. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới tư duy là đòi hỏi tất yếu, nhằm thích ứng tốt hơn với thực tiễn thay đổi không ngừng và hiện thực hóa khát vọng vươn lên của dân tộc.
Ngọn hải đăng của đổi mới tư duy là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp xúc với bên ngoài để đổi mới tư duy bên trong, ngay từ đầu thế kỷ 20, Bác Hồ đã sớm ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Nhờ nắm bắt được xu thế của thời đại, kết hợp nội lực với ngoại lực, Người đã cùng Đảng ta dẫn dắt dân tộc ta chiến thắng thực dân và đế quốc xâm lược. Tư tưởng của Người đã soi sáng cho Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Theo dấu bước chân Người, ngành đối ngoại có điều kiện thường xuyên tiếp xúc, chiêm nghiệm các xu thế, trào lưu của thế giới, từ đó tạo nền tảng cho quá trình đổi mới tư duy phù hợp với tình hình và điều kiện trong nước. Với nền tảng là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tư duy đối ngoại của Việt Nam không ngừng đổi mới, phát triển, kế thừa những giá trị truyền thống và bản sắc của dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại, phục vụ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc.
Quá trình đổi mới tư duy đối ngoại từ 1986 đến nay
Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đổi mới tư duy”, Đại hội VI (tháng 12/1986) đã đề ra chủ trương đổi mới toàn diện. Tiếp đó, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (tháng 5/1988) đã thể hiện sự đổi mới tư duy mạnh mẽ trong đánh giá tình hình thế giới và chuyển hướng toàn bộ chiến lược đối ngoại của nước ta.
Từ nhận định xu thế đấu tranh và hợp tác giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau ngày càng phát triển, Nghị quyết đã đề ra chủ trương “chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình” và nhấn mạnh “với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa hơn”.
Kể từ đó, Việt Nam từng bước phá thế bao vây cấm vận và triển khai đường đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ta lần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), Mỹ (1995), thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước quan trọng trên thế giới; đồng thời từng bước gia nhập các tổ chức khu vực, liên khu vực và quốc tế quan trọng, trong đó có ASEAN (1995), ASEM (1996), APEC (1998), WTO (2007)…
Dấu mốc quan trọng tiếp theo trong đổi mới tư duy đối ngoại Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX (2003) với quan điểm mới về đối tác - đối tượng, về hợp tác và đấu tranh. Theo đó, ta đã nỗ lực gia tăng điểm đồng, hóa giải điểm khác biệt, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các nước, đặc biệt là việc thiết lập mạng lưới Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 30 nước trên thế giới.
Tư duy về hội nhập quốc tế có bước phát triển mạnh mẽ. Từ lo ngại về “đổi mới dẫn đến đổi màu”, “hòa nhập dẫn đến hòa tan”, chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ và sau đó là hội nhập quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Về hội nhập kinh tế, việc ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao như CPTPP, EVFTA… đã giúp tạo ra những động lực to lớn cho tăng trưởng. Về quốc phòng, ta đã cử hàng trăm quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam. Các mặt hội nhập về chính trị, an ninh, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ… được thúc đẩy mạnh mẽ, giúp phát huy hiệu quả lợi ích quốc gia - dân tộc.
Tư duy đối ngoại đa phương có bước phát triển quan trọng, với việc Đại hội XII (2016) đã đề ra phương châmchủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư (tháng 8/2018) đã cụ thể hóa phương châm này, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực vươn lên để đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương quan trọng phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.
Trong thực tiễn triển khai, đối ngoại đa phương đã nỗ lực đóng góp tích cực, hiệu quả, bằng nhiều ý tưởng, sáng kiến, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhất là trong vai trò Chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (2019)…
Đổi mới tư duy đối ngoại còn được thể hiện ở việc không ngừng hoàn thiện nội hàm lợi ích quốc gia - dân tộc. Đại hội XII nên rõ phải "bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi". Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam không phải là những lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi, mà được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc phải là nguyên tắc tối cao của mọi hoạt động đối ngoại.
Đối ngoại là động lực quan trọng của đổi mới tư duy và phát triển đất nước
Thứ nhất, ngành đối ngoại đã triển khai thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp hiệu quả vào việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định, giữ nước từ xa, từ khi nước còn chưa nguy; đồng thời tranh thủ các nguồn lực bên ngoài (thị trường, nguồn vốn, khoa học công nghệ, tinh hoa văn hoá thế giới...) cho phát triển bền vững, nâng cao vị thế quốc tế của nước ta, thực hiện thành công sự nghiệp Đổi mới.
Thứ hai, đối ngoại đóng góp vào nghiên cứu, đánh giá đúng tính chất của thời đại, xu thế và cục diện thế giới, đồng thời trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định và triển khai chính sách phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ những ngày đầu của Đổi mới, những nghị quyết, văn kiện về đối ngoại đã đóng góp nhiều nhận thức mang tính đột phá, chỉ ra đặc điểm của môi trường chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại của nước ta, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách đúng và trúng, góp phần giúp nước ta nắm bắt, tận dụng tốt những cơ hội và xử lý hiệu quả những thách thức đến từ môi trường quốc tế luôn thay đổi.
Thứ ba, đối ngoại cũng đóng góp vào đổi mới tư duy của các ngành, lĩnh vực khác. Trong quá trình triển khai hoạt động đối ngoại, tất cả các “binh chủng” gồm đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước, Ngoại giao Nghị viện, đối ngoại Nhân dân có cơ hội chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm của thế giới, từ đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy đổi mới tư duy ngày một hoàn thiện hơn trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường đến các lĩnh vực mới như biến đổi khí hậu, Cách mạng công nghiệp 4.0, an ninh mạng…
Thứ tư, ngành đối ngoại đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế phong phú, hiệu quả, nhất là tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta các chủ trương lớn liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia mạng lưới 16 FTA để tạo động lực cho tăng trưởng. Ngoại giao kinh tế đã đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong nỗ lực tiếp cận và mở rộng thị trường ra bên ngoài, qua đó đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững, sáng tạo của đất nước.
Hướng tới Đại hội XIII, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, có vị thế cao trong cộng đồng quốc tế trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, trong đó có những chuyển biến do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, đối ngoại cần không ngừng theo dõi, nắm bắt những xu thế thế giới, tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, để khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn tại Hội nghị Ngoại giao năm 2018, chúng ta cần có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Ngành đối ngoại sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong củng cố môi trường hòa bình, ổn định, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt
Bùi Thanh Sơn
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao
Từ khóa: Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, ngành đối ngoại, ngoại giao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN