Đổi mới sáng tạo - Động lực cốt lõi để phát triển kinh tế tư nhân
Cập nhật: 25/09/2019
Sẽ tự động quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2025
Diện mạo mới từ quy hoạch các khu đất vàng ở thành phố Vũng Tàu
VOV.VN - Để phát triển kinh tế tư nhân, sức mạnh đổi mới sáng tạo cần được khơi bật, tạo động lực cốt lõi vận hành cả nền kinh tế.
Đổi mới sáng tạo là động lực tự thân không giới hạn
Thực tiễn kinh tế thị trường toàn cầu cho thấy, trái ngược với kinh tế chỉ huy, nền kinh tế thị trường cơ bản là kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân. Kinh tế nhà nước có vị trí và tỷ trọng nhỏ hơn mặc dù đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, thậm chí chủ đạo đối với tất cả giao dịch kinh tế như Việt Nam. Việc can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước sẽ tối thiểu hóa cho nền kinh tế tư nhân là kinh tế cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận và điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Chính vì thế, để tồn tại và phát triển bền vững trong cạnh tranh, động lực hữu hiệu nhất là đổi mới sáng tạo.
Cạnh tranh và đổi mới sáng tạo là động lực tự thân không có giới hạn, cho nên sự phát triển của kinh tế tư nhân cũng không có điểm cuối cùng và là động lực cốt lõi của kinh tế tư nhân. Nhà nước và kinh tế nhà nước là tác nhân tạo điều kiện và chất xúc tác đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân là động lực để phát triển kinh tế đất nước (Ảnh minh họa) |
Ở Việt Nam, kinh tế tư nhân (có lúc còn được gọi là kinh tế dân doanh) thường được tính là phần còn lại của cơ cấu kinh tế sau khi đã khấu trừ kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, có tỷ trong ngày càng tăng lên trong cơ cấu thành phần và đang ở con số khoảng 38-40%. Tỷ trọng này dự kiến tăng lên gần gấp đôi trong vòng 10 năm tới. Động lực tự thân cần được khơi bật triệt để đạt mục tiêu kỳ vọng phát triển kinh tế tư nhân.
Trong điều kiện kinh tế Nhà nước được quyết liệt và liên tục cải cách theo hướng cải thiện hiệu quả, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang tăng lên khá nhanh do lợi thế kinh tế quốc tế của Việt Nam trong khu vực được bộc lộ ngày càng rõ nét, kinh tế tư nhân muốn tăng nhanh tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cần tăng đáng kể phần đóng góp giá trị mới sáng tạo ra trong tổng quy mô kinh tế. Bên cạnh đó, tác động không nhỏ của cách mạng công nghiệp 4.0 trọng tâm là đổi mới sáng tạo, động lực phát triển tự thân của kinh tế tư nhân càng có cơ hội phát huy triệt để.
Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo toàn cầu 2019 của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là một khái niệm có nhiều nội dung bên trong bao gồm 7 nhóm yếu tố gồm: thể chế, nghiên cứu và vốn nhân lực, cơ sở hạ tầng, độ phức tạp thị trường, độ phức tạp kinh doanh, kiến thức và đầu ra công nghệ, sản lượng sáng tạo. Các chỉ số này đo lường toàn diện năng lực đổi mới sáng tạo của từng nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế thị trường phát triển, chỉ số này có đóng góp chủ yếu của kinh tế tư nhân nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia với tiềm lực đổi mới sáng tạo hùng hậu, nguồn tài chính khổng lồ và đội ngũ nhân lực đổi mới sáng tạo năng động.
Chỉ số xếp hạng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2019 được cải thiện liên tục. Năm 2017, Việt Nam được xếp hạng 47 trong 130 nền kinh tế tham gia phân hạng, năm 2018, con số này là 45 và năm 2019 là 42. Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu GII nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Sự thăng hạng liên tiếp chỉ số GII cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang vận động đúng hướng từ kinh tế sử dụng tài nguyên sang sử dụng yếu tố đến dựa vào đổi mới sáng tạo.
Những quốc gia có chỉ số GII cao đều có năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc tế cao, đời sống quốc gia thịnh vương và xã hội văn minh. Các tập đoàn hàng đầu thế giới hiện nay đều dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và tận dụng triệt để thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.
Đổi mới sáng tạo cần được khơi bật triệt để trong thành phần kinh tế tư nhân thì động lực này mới được triệt để khai thác. Các sản phẩm đổi mới sáng tạo của khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu phục vụ trực tiếp cho hai khu vực này và mức độ kết nối kinh tế tư nhân với hai khu vực này còn rất hạn chế. Khi kinh tế tư nhân phát triển, động lực kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được khởi tạo và tăng tốc, tạo khả năng tăng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân Việt Nam có số lượng khoảng 2 triệu hộ kinh doanh cá thể và khoảng 600.000 doanh nghiệp đủ các loại quy mô. Đó là chưa kể hàng triệu hộ gia đình khác có khả năng tham gia hoặc rút lui khỏi thị trường một cách tự động. Nếu mỗi cá nhân, mỗi tổ chức hay nhóm người, gia đình, hộ kinh doanh là một chủ thể đổi mới sáng tạo hữu hiệu thì đây sẽ là một lực lượng đổi mới sáng tạo thật sự hùng hậu cần được khơi bật, Thực tế cho thấy, có không ít nông dân đã sáng chế nhiều loại thiết bị, máy móc phụ vụ sản xuất nông nghiệp trong nước và xuất khẩu.
Khơi bật triệt để sức mạnh đổi mới sáng tạo
Nhận thức về động lực đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa được quán triệt trong Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa 12, 2017) nhất là việc cho phép tư nhân đầu tư kinh doanh những lĩnh vực pháp luật không cấm. Nhận thức này mở ra phạm vi rộng nhất để phát triển kinh tế tư nhân kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (1986). Do đó, phạm vi đổi mới sáng tạo đang được mở rộng tối đa tương ứng và còn được cộng hưởng với tương tác các thành phần kinh tế khác cũng như tác động cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi chưa từng có trong lịch sử phát triển. Hơn nữa, so với ở hữu nhà nước và sở hữu hỗn hợp, sở hữu tư nhân là nền tảng bền vững nhất và lâu dài nhất của đổi mới sáng tạo.
Để khơi bật triệt để sức mạnh đổi mới sáng tạo, cần phát huy động lực tự thân và bền vững, nhất là gia tốc sự phát triển thị trường đổi mới sáng tạo bao gồm thị trường sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo, thị trường nhân lực đổi mới sáng tạo, thị trường doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo.
Các chính sách phát triển thị trường đặc thù và đặc biệt này gắn với 7 yếu tố cấu thành chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu như: bảo hộ quyền sở hữu, phương thức tổ chức thị trường theo hướng ủng hộ và khuyến khích rất cao đổi với đổi mới, sáng tạo, những tác động ban đầu của chính sách về hỗ trợ đổi mới sáng tạo về tài chính, chuyên gia, công nghệ, thông tin, hạ tầng, độ phức tạp kinh doanh,tính phức tạp thị trường dễ tiếp cận, sẵn có, chí phí thấp và khả năng thành công cao là rất cần thiết và cần được triển khai liên tục.
Các chương trình mục tiêu quốc gia như, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cần hướng vào trọng tâm là đổi mới sáng tạo để đổi mới sáng tạo trở thành động lực cốt lõi kết nối nhiều nguồn lực và động lực hỗ trợ khác tạo thành động lực bao trùm lớn nhất và mạnh nhất.
Các khoản đầu tư của nhà nước vào đổi mới sáng tạo đang có xu hướng gia tăng trong thời gian tới cần có thêm địa chỉ ứng dụng và chuyển giao là kinh tế tư nhân với kênh cung ứng chi phí thấp hoặc miễn phí để kích hoạt và thu hút nguồn lực đổi mới sáng tạo vào kinh tế tư nhân.
Phát triển hình thức mới đối tác công - tư về đổi mới sáng tạo để kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo và là chỗ dựa vững chắc phát triển kinh tế tư nhân bắt đầu từ đổi mới sáng tạo. Kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo thành công là điều kiện đủ kiểm định sự thành công của phương thức hợp tác và đối tác trước hết ở việc ứng dụng thành quả đổi mới sáng tạo chuyển giao từ kinh tế nhà nước.
Các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao có yếu tố nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần đổi mới sáng tạo thành công cần là đầu tàu kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo kinh tế tư nhân. Do đó, các chủ thể thuộc thành phần kinh tế tư nhân cần tích cực, chủ động kết nối, học hỏi, tiếp nhận chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, mô hình của các thành phần kinh tế khác. Cơ chế kết nối trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích thỏa đáng của các bên. Đồng thời, cần phát huy tối đa năng lực đổi mới sáng tạo của các chủ thể thuộc kinh tế tư nhân thành đối tác tin cậy và lâu dài trong hợp tác.
Coi trọng tận dụng thành tựu sẵn có của cách mạng công nghiệp 4.0 về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và internet kết nối vạn vật để đổi mới sáng tạo các hình thức kinh doanh mới phù hợp đặc thù kinh tế tư nhân Việt Nam là quy mô chủ yếu nhỏ và vừa, manh mún; mức độ liên kết không cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, thiếu thương hiệu mạnh, mạng lưới toàn cầu hầu như không có và rủi ro cạnh tranh rất cao. Những điểm yếu và hạn chế này cần được chuyển hóa thành lợi thế tuyệt đối bằng khởi bật quyết liệt sức mạnh đổi mới sáng tạo./.
Từ khóa: kinh tế tư nhân, sở hữu tư nhân, kinh tế Nhà nước, cách mạng công nghiệp 4.0, Nghị quyết Trung ương 5
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN