Nằm trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Lự ở Lai Châu hiện nay có dân số khoảng 5.000 người, chủ yếu cư trú ở hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ và sinh sống quần cư trong các nếp nhà sàn gỗ truyền thống.
Trải qua nhiều đời sinh sống nơi núi rừng Lai Châu, đối mặt với thách thức đồng hóa về văn hóa dân tộc, nhưng người Lự vẫn giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống riêng biệt, trong đó có trang phục truyền thống của người phụ nữ.
Không chỉ được trưng diện trong những dịp quan trọng như lễ, tết, mà đây cũng chính là trang phục truyền thống mặc trong đời sống thường ngày của chị em người Lự.
Trang phục của phụ nữ Lự không cầu kỳ như trang phục của các dân tộc khác, mà chủ yếu là những đường họa tiết đơn giản, với hai gam mày chính là trắng và đen.
Khăn đội đầu của phụ nữ Lự thường có kích cỡ 30x40cm và được dệt xen kẽ các đường chỉ trắng to nhỏ khác nhau để tạo điểm nhấn.
Khi quấn khăn thường nghiêng về phía bên trái. Khăn không chỉ được dùng để làm đẹp mà còn giúp mái tóc gọn gàng hơn để thuận tiện cho cuộc sống hàng ngày.
Mỗi gia đình người Lự đều có ít nhất một khung dệt vải từ các nguyên liệu tự trồng, hoặc lấy từ rừng và quy trình làm trang phục thường khép kín, từ trồng bông, xe sợi, nhuộm vải đến dệt, thêu họa tiết và cắt may...
Trang phục của người phụ nữ Lự đẹp hay xấu, bền hay chóng hỏng còn được coi là tiêu chuẩn đánh giá về vai trò của người phụ nữ trước khi lấy chồng.
Trong khi trang phục của phụ nữ có chồng đơn giản hơn về họa tiết, màu sắc thì trang phục của các cô gái Lự chưa chồng lại có nhiều gam màu sặc sỡ hơn.
Điểm nhấn của chiếc áo phụ nữ Lự được may theo hình rẻ quạt, với 6 miếng vải được cắt ghép với nhau, vạt áo xòe rộng với mục đích tạo sự thoải mái khi vận động.
Nét độc đáo trong trang phục phụ nữ Lự còn được thể hiện ở chiếc váy với họa tiết cầu kỳ hơn, gồm ba phần cạp, thân và chân váy.
Theo lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, phụ nữ Lự ở tỉnh còn giữ gìn được nghề dệt truyền thống để tạo ra những bộ trang phục đặc trưng.
Đây là điểm nhấn để địa phương xây dựng các bản văn hóa, du lịch cộng đồng và mô hình này đang hấp dẫn du khách gần xa đến với miền đất biên cương của Tổ quốc./.