Độc đáo di tích Hổ Quyền ở cố đô Huế

Cập nhật: 04/02/2022

VOV.VN - Di tích Hổ Quyền ở Trường Đá, phường Thủy Biều, thành phố Huế là một trong những công trình kiến trúc độc đáo chỉ riêng có ở Việt Nam. Được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng, nơi đây là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ.

Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn, được xây dựng vào năm 1830 thời vua Minh Mạng. Công trình có chu vi 145m, đường kính lòng chảo 44m, vòng thành trong cao 5,9m, vòng thành ngoài cao 4,75m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10 đến15 độ, tạo thế vững chãi. Đây là đấu trường độc đáo giữa voi và hổ duy nhất cho đến ngày nay. Các trận đấu giữa voi và hổ đã được tổ chức từ thời các chúa Nguyễn, tại cồn Dã Viên trên sông Hương. Tại đây đã có những cuộc chiến đẫm máu, đến khi con hổ cuối cùng bị đàn voi giết chết thì mới kết thúc. Những cuộc đấu này cũng được tổ chức dưới thời các vua Nguyễn mỗi năm 1 lần, được xem là ngày hội lớn của triều đình và dân chúng. Đến thời Minh Mạng, nhà vua đã chọn vùng đất Trường Đá để xây dựng một đấu trường kiên cố.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, từ khi Hổ Quyền hoàn thành thì nghi thức tổ chức các trận quyết đấu giữa voi và hổ trang trọng hơn trước. Ngày diễn ra trận đấu, dân chúng địa phương ở trong vùng cũng đặt hương án, lễ vật. Từ sáng sớm, dân chúng lũ lượt đến nơi chờ xem trận đấu có một không hai giữa voi và hổ.

“Hổ Quyền cái chính của nó là để luyện tập cho Voi đấu với cọp. Tất nhiên, để đấu giữa voi và cọp thì người ta phải cột cọp lại, thậm chí, người ta bẻ nanh của con cọp đi, như một đối thủ, một hình thức luyện binh. Trận đấu cuối cùng diễn ra dưới thời vua Thành Thái.”

Tại khuôn viên của Hổ Quyền, khán đài vua ngồi ở mặt Bắc, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp (24 cấp) đi lên dành cho vua và các quốc thích đại thần. Bên phải khán đài có hệ thống bậc cấp khác dành cho quan chức và binh lính. Đối diện của khán đài này là 5 chuồng cọp nằm ngay trong lòng đấu trường. Các chuồng cọp được dựng lên bằng vách ngăn giữa hai vòng tường thành trong và ngoài của đấu trường. Trận đấu cuối cùng diễn ra tại Hổ Quyền cách đây gần 120 năm, dưới thời vua Thành Thái.

Từ năm 1993, di tích này cùng với hệ thống di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Những năm qua, công tác tu bổ di tích Hổ Quyền và di tích Điện Voi Ré - nơi thờ các vị thần bảo vệ voi và những con voi dũng cảm nhất trong các cuộc chiến của triều Nguyễn đã được quan tâm hơn. Năm 2009, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng di tích Hổ Quyền bằng công nghệ kỹ thuật số 3D với hình ảnh trận tử chiến giữa voi và hổ, tái hiện cảnh quan, không gian kiến trúc của di tích Hổ Quyền và cảnh vua, quan, binh lính xem trận chiến tại đây. Năm 2021, UBND thành phố Huế đã triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang cụm di tích này ở phường Thủy Biều và phường Đúc, trên diện tích gần 5 hecta với tổng mức đầu tư hơn 94 tỷ đồng.

Bà Tống Thị Nguyệt, người dân sống cạnh di tích Hổ Quyền cho biết, từ đời ông của bà đã đến đây dựng nhà sinh sống. Di tích có giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo nên người dân rất mong muốn sớm được chỉnh trang, phát huy giá trị.

“Trước đây, chưa có dịch Covid-19, khách du lịch đến nhiều lắm. Dân đây thì chừ họ cũng trông cho lấy đất đi, để cho họ một chỗ mô đó họ định cư, để họ làm ăn sinh sống", bà Tống Thị Nguyệt cho biết.

Cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré là một trong những quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, là một bộ phận cấu thành của quần thể di tích cố đô Huế. Việc chỉnh trang cụm di tích này góp phần khôi phục giá trị về lịch sử văn hóa, tạo điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế cho biết, UBND thành phố Huế đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành dự án hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang khu vực dân cư cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré.

“Hổ Quyền Voi Ré, đây là khu vực đấu trường còn tương đối nguyên vẹn, cũng là đặc trưng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nên UBND tỉnh đã có chủ trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để chỉnh trang lại, phát huy giá trị di sản. Hiện nay, chúng tôi đã phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu và đang hoàn thành các thủ tục để tiến hành thực hiện làm hạ tầng. Sau khi làm hạ tầng xong sẽ di dời 42 hộ bị ảnh hưởng, thu hồi đất để bố trí tái định cư. Khi thực hiện xong thì sẽ đảm bảo cảnh quan, phục vụ phát huy giá trị di sản của khu vực này"./.

Từ khóa: di tích, di tích Hổ Quyền, Trường Đá, Thủy Biều, Huế, Voi Ré

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập