Doanh nghiệp TPHCM và Đông Nam bộ kiến nghị các chính sách hỗ trợ
Cập nhật: 07/05/2020
VOV.VN - Để khôi phục và vực dậy sản xuất, nhiều doanh nghiệp TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ mong muốn có được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ.
Các doanh nghiệp dệt may tại TPHCM đề nghị Chính phủ giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT) năm 2019 cho đến cuối năm 2020. Cụ thể: Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, 50% thuế VAT của năm 2020 để doanh nghiệp kích cầu thị trường nội địa.
Riêng các doanh nghiệp gỗ cũng kiến nghị TPHCM đẩy mạnh hỗ trợ việc xúc tiến thương mại số. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng kiến trúc AA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng: Trong tình hình hiện nay, với hình thức xúc tiến thương mại số, doanh nghiệp ở tại chỗ cũng có thể giới thiệu sản phẩm và tìm khách hàng ở nước ngoài. Cách làm này sẽ giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong vấn đề tiếp cận và tìm đơn hàng.
“Với các doanh nghiệp gỗ thì các gói xúc tiến thương mại cần phải thực hiện trở lại sớm. Những hình thức xúc tiến thương mại phải được hỗ trợ sớm một chút, nhất là xúc tiến thương mại số. Khi có đơn hàng thì doanh nghiệp mới tự “bơi” tiếp. Các gói kích cầu cần được đẩy nhanh để tạo ra thị trường mới, khi có thị trường thì doanh nghiệp sẽ tự vực dậy khó khăn của họ” - ông Phương nói.
Lượng khách đến lưu trú tại Mariana Bay Vũng Tàu có thời điểm giảm sâu đến 90%. |
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, chuyên sản xuất máy móc xuất khẩu ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, kiến nghị: Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo phát triển mạnh thị trường nội địa, sử dụng các vật tư, thiết bị sản xuất trong nước để tạo nguồn vốn mồi cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong khi chờ thị trường xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước thống nhất với các ngân hàng thương mại nên có sự giãn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Hiện nay việc giãn nợ, khoanh nợ rất hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được giãn nợ, khoanh nợ, thu nợ đúng kỳ hạn gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp. Việc giãn nợ, khoanh nợ phải có sự thống nhất chỉ đạo xuyên suốt của Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại. Việc này thực hiện nhanh, thủ tục đơn giản, doanh nghiệp cần giãn nợ, khoanh nợ chỉ cần đề nghị không cần chứng minh để thời gian tập trung sản xuất kinh doanh” - ông Trọng đề nghị.
Chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp dịch vụ, ông Đỗ Minh Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Hà Đạt, Quản lý Khu lịch Mariana Bay Vũng Tàu cho biết: Do ảnh hưởng dịch bệnh từ sau tết Nguyên Đán 2020, thị trường du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và Khu du lịch Marina Bay Vũng Tàu nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu từ tháng 2 đến tháng 4/2020 liên tục giảm, có lúc giảm tới 95%, ở thời điểm cách ly xã hội hầu như khu du lịch không có khách lưu trú.
Để duy trì kinh doanh, ngoài việc đưa ra các gói khuyến mãi, Mariana Bay Vũng Tàu đã phải cắt giảm lao động từ 200 người xuống còn trên dưới 10 người chỉ để trông coi tài sản và quản lý điều hành. Doanh nghiệp của ông đã đóng cửa toàn bộ hệ thống nhà hàng, chỉ giữ lại dịch vụ lưu trú.
“Mong muốn Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp như việc nộp chậm bảo hiểm xã hội, thứ hai là thuế cũng nộp chậm lại. Về vốn vay ngân hàng giảm lãi suất từ 1 – 1,5%/năm thì rất là tốt. Còn tiền thuê đất thì đề nghị miễn một phần và cho doanh nghiệp nộp chậm đến quý 1 hay quý 2 năm 2021 thì tốt hơn cho nghề kinh doanh du lịch” - ông Đỗ Minh Đức chia sẻ.
Đại dịch Covid-19 tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên sau dịch bệnh, nếu có những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo đà tăng tốc trong thời gian tới./.
Từ khóa: hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp TPHCM, Đông Nam Bộ
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN