Doanh nghiệp tại ĐBSCL đang gặp khó vì dịch Covid-19
Cập nhật: 13/03/2020
VOV.VN - Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp vùng ĐBSCL.
Trong đó ngành du lịch đang bị ảnh hưởng lớn khi lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, nhiều đơn vị trong lĩnh vực du lịch doanh thu sụt giảm đến 40%, nếu tình trạng này kéo dài doanh nghiệp khó có khả năng vượt qua.
Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ đã chứng kiến lượng khách lưu trú giảm mạnh, hiện nay đơn vị cũng đã có phương án khuyến mại để thu hút khách du lịch, nhưng do tâm lý của người dân nên vẫn chưa hiệu quả. Ông Trần Yên Vinh, Giám đốc khách sạn cho biết, ngoài lượng khách lưu trú, thì khách sạn cũng tổ chức hội nghị, hội thảo và tiệc, nhưng từ khi dịch xảy ra khách sạn đã bị ảnh hưởng lớn.
“Cắt giảm chi phí thì không thể cắt giảm được, với ngành du lịch thì khách sạn mở ra hàng ngày bao nhiêu chi phí hầu như nó cố định, ví dụ tiền điện, máy lạnh không có khách chúng tôi cũng phải mở, điện cũng phải mở. Đặc biệt là lượng lượng lao động, khách sạn chúng tôi có hơn 200 cán bộ, nhân viên bây giờ cắt giảm cho nghỉ thì không làm được, cũng phải duy trì lực lượng đấy” - ông Vinh nói.
Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. |
Tại tỉnh An Giang, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng khi nhiều đơn hàng xuất sang các thị trường chủ lực giảm từ 30 - 40% so kế hoạch. Không chỉ mặt hàng thủy sản bị ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như may mặc, trái cây cũng đang bị ảnh hưởng, nếu tình trạng này kéo dài doanh nghiệp khó có khả năng tiếp tục hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu tại tỉnh An Giang cho biết, công ty đang khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện công ty này đã xây dựng, quản lý hơn 150 ha xoài các loại và đã được cấp mã code để xuất khẩu sang các thị trường lớn. Liên kết với vùng trồng xoài ở 3 xã Cù Lao Giêng, thuộc huyện Chợ Mới với diện tích hơn 500 ha để xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hoàn thiện việc cấp mã code cho diện tích xoài này phục vụ xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Dịch Covid-19 không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà tất cả các thị trường khác đều bị ảnh hưởng lây hết, làm ùn tắc ứ đọng gây ra thiệt hại rất là lớn, không những trái xoài, mà tất cả các loại trái khác như là, dưa hấu, thanh long và trái sầu riêng và tất cả các loại rau củ quả đều cũng bị ảnh hưởng. Tôi cũng mong rằng các cấp ngành hỗ trợ, trước mắt là cho nông dân, cho hợp tác xã tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” - bà Thu nói.
Nhiều điểm du lịch lượng khách giảm tới 40% có những nơi lên đến 50 -60%. |
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đều bị ảnh hưởng. Lượng khách đến ĐBSCL cũng như An Giang đều giảm mạnh, cụ thể tại An Giang lượng khách giảm từ 30 - 40%, có những điểm du lịch, lượng khách giảm khoảng 50-60% so với cùng kỳ.
Ông Lý Thanh Sang, Giám đốc Khu du lịch cáp treo Núi Cấm, tỉnh An Giang cho biết, trước đây mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đi cáp treo tham quan núi Cấm, nhất là dịp Tết và hè khách sẽ đông hơn. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch Covid-19, số lượng du khách tới đây giảm khoảng 50-60%.
“Nói chung do ảnh hưởng của dịch, lượng khách ảnh hưởng nhiều, giảm 50-60%, mà lượng khách sẽ đi đôi với doanh thu, ảnh hưởng tói nguồn thu của doanh nghiệp. Thành gia, về mặt cơ chế chính sách về thuế thì đề nghị nhà nước có chính sách miễn giảm; về phía ngân hàng cũng phải có chính sách giảm lãi suất, rồi giãn nợ để tạo cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm bị ảnh hưởng dịch” - ông Sang đề nghị.
Hiện tại, tỉnh An Giang cũng đang rà soát lại tình hình tiêu thụ nông sản, nhất là các mặt hàng phụ thuộc chính vào một số thị trường để nắm rõ sản lượng, từ đó đề ra hướng giải quyết kịp thời nhằm giảm ảnh hưởng từ dịch Covid–19. Bên cạnh đó, địa phương ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch được tiếp cận nguồn quỹ phát triển của tỉnh để giải quyết tổn thất do dịch gây ra.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Nhiều doanh nghiệp trong trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch bị ảnh hưởng. Tới đây, các ngành hàng chủ lực trong vùng có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu dịch còn kéo dài.
Ông Lam cũng cho biết, hiện VCCI Cần Thơ đang tiếp tục khảo sát, đánh giá về tình hình của các doanh nghiệp trong vùng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, để từ đó có những kiến nghị về giãn thời gian nộp thuế của từng ngành hàng; đồng thời có những đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL vượt qua khó khăn. Ông Lam cũng đề nghị, phía ngân hàng cũng cần xem xét giảm lãi suất cho vay đối với từng ngành hàng cụ thể, để ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian tới.
“Những ảnh hưởng có thể chúng ta thấy lượng khách không đến du lịch, một số ngành thì không xuất khẩu được và một số lĩnh vực chúng ta đang bị vướng về giao thương nhưng đó là cái ban đầu. Cái quan trọng hơn, dài hơi hơn, ảnh hưởng lớn hơn nữa nguồn nguyên liệu sản xuất trong các lĩnh vực, và hiện nay theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khả năng đình trệ trong các doanh nghiệp FDI, thậm chí các doanh nghiệp tư nhân trong mọi ngành nghề sản xuất đều bị ảnh hưởng” - ông Lam nói.
Khó khăn hiện nay không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả vùng ĐBSCL gặp phải, mà những doanh nghiệp lớn cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những tác động này nếu diễn ra trong thời gian dài chắc chắn các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và nhiều doanh nghiệp không đủ sức để bám trụ. Vì vậy, cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho từng ngành hàng để vượt qua khó khăn của dịch Covid-19./.
Doanh nghiệp tìm cách gỡ khó thời dịch Covid-19
Từ khóa: doanh nghiệp lao đao, doanh nghiệp gặp khó khăn, dịch Covid-19, Covid-19, ĐBSCL
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN