Doanh nghiệp Hàn Quốc trải lòng với lãnh đạo Bình Dương

Cập nhật: 01/11/2024

VOV.VN - Ngày 1/11, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Áp lực khi nghe di dời

Tính đến tháng 10/2024, Bình Dương thu hút được 4.356 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký vượt quá 42 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc đóng góp một phần đáng kể với 775 dự án, tương ứng với tổng vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ USD, xếp thứ 5 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương.

Thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Bình Dương là nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Mặc dù tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc, vẫn còn nhiều băn khoăn. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là việc thực hiện quy hoạch di dời các nhà máy từ khu vực phía Nam lên phía Bắc. Điều này khiến không ít doanh nghiệp lo lắng về tương lai đầu tư của mình.

Ông Lee Yuong Man, Chủ tịch Công ty Cổ phần Sung Hyun Vina cho biết, để di dời nhà máy cũ ở TP. Dĩ An, doanh nghiệp đang đặt mua nhà máy khác nhưng thời hạn thuê đất còn lại quá ngắn, chỉ còn chưa đầy 20 năm. Điều này khiến doanh nghiệp lo ngại về tính bền vững của hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài tại Bình Dương.

Ông Lee Yuong Man bày tỏ mong muốn: "Tỉnh Bình Dương có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn, đặc biệt là về việc gia hạn thời hạn thuê đất cho các doanh nghiệp đã đầu tư. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải cân nhắc việc chuyển đổi địa điểm đầu tư, thậm chí là rút vốn khỏi tỉnh Bình Dương. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Để không phải di dời khỏi các khu, cụm công nghiệp phía Nam, nhiều doanh nghiệp phải nỗ lực hoàn thiện các giấy phép về môi trường, xây dựng và phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các khó khăn khách quan khác, quá trình hoàn thiện thủ tục hành chính gặp nhiều trở ngại. Điều đáng nói là, trong thời gian đang nỗ lực khắc phục để hoàn thiện hồ sơ, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Bá Nam, Giám đốc nhân sự Công ty Suntech Vina chia sẻ, đối với các doanh nghiệp nước ngoài, vấn đề môi trường luôn được khách hàng đặt lên hàng đầu. Việc vi phạm quy định về bảo vệ môi trường không chỉ dẫn đến các hình thức xử phạt hành chính mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, gây tổn thất về thương hiệu và đơn hàng.

"Theo tôi tìm hiểu, giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20% doanh nghiệp đang bị vướng, một số đơn vị cố tình nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp muốn làm mà vướng thủ tục, nghị định giao thời nên không làm được. Quy định theo đó thì phạt nhưng trong cái lý cũng phải có cái tình, nên coi doanh nghiệp có cố tình hay không?"

Một vấn đề khác khiến các doanh nghiệp vô cùng lo ngại là tình trạng thiếu điện hoặc cúp điện đột ngột, không báo trước. Những sự cố này không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế do chi phí sửa chữa máy móc, chậm trễ giao hàng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp

Đối với vấn đề di dời của doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã đưa ra những giải thích cụ thể. Theo đó, các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép sẽ được ưu tiên sử dụng hết thời hạn giấy phép, miễn là đảm bảo các yêu cầu về xây dựng, môi trường và phòng cháy chữa cháy.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai thí điểm từ nay đến năm 2030, chứ không phải di dời đồng loạt. Sở Công Thương cũng đang xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, ưu tiên cho những doanh nghiệp đăng ký di dời sớm.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: "Từ đây đến 2030 có thêm 25 cụm công nghiệp nữa với hạ tầng hoàn thiện, đảm bảo môi trường cho doanh nghiệp để khi họ có nhu cầu di dời sẽ thuận lợi. Đối với doanh nghiệp vi phạm về việc không đảm bảo môi trường, phòng cháy chữa cháy thì bắt buộc phải dừng sản xuất. Nếu đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ được sản xuất cho đến khi giấy phép thuê đất hết thời hạn”.

Đối với phản ánh của các doanh nghiệp về tình trạng cúp điện thường xuyên, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đại diện Điện lực Bình Dương cho biết, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh phần lớn vẫn còn là lưới điện trung thế và hạ thế không có vỏ bọc, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như cây cối, thời tiết. Bên cạnh đó, sự cố từ các thiết bị điện của một số khách hàng cũng có thể gây ảnh hưởng đến lưới điện chung.

Theo ông Lê Hồng Khanh, Phó giám đốc Điện lực Bình Dương, để hạn chế tình trạng này, điện lực đang triển khai nhiều giải pháp như tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện, cắt tỉa cây xanh, đồng thời khuyến khích khách hàng thường xuyên kiểm tra, bảo trì các thiết bị điện. Khi có lịch cắt điện kế hoạch, điện lực có thông báo rộng rãi đến khách hàng. Đối với các sự cố đột xuất, sẽ cố gắng khắc phục nhanh chóng và thông báo đến khách hàng ngay sau khi sự cố xảy ra.

Ông Lê Hồng Khanh nói thêm: "Sau khi có sự cố chúng tôi cũng có thông báo lại cho khách hàng hiểu, thông cảm. Riêng ngành điện sau sự cố đều tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm để có biện pháp phòng ngừa. Hy vọng trong thời gian sắp tới, sự cố giảm tối đa, chúng tôi cũng sẽ cung cấp điện tốt cho khách hàng, doanh nghiệp".

Còn về các vấn đề khác mà doanh nghiệp quan tâm, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã giao các sở, ngành chức năng nghiên cứu và giải quyết một cách nhanh chóng. Tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ khóa: Bình Dương, Bình Dương, đối thoại, doanh nghiệp, Hàn Quốc, khó khăn, thu hút FDI, di dời,hàn quốc

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thiên lý/vov - tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan