Doanh nghiệp du lịch: chuyển đổi số để tồn tại
Cập nhật: 01/10/2020
Phu Quoc welcomes direct flight route from Beijing, China
Vietnam among top Lunar New Year destinations for RoK visitors
VOV.VN - Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp du lịch nên chuyển đổi số càng nhanh càng tốt, ai đi trước sẽ thành công.
Giải pháp cũ không thể giải quyết vấn đề mới
Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam không quá nghiêm trọng nhưng kinh tế Việt Nam nói chung và Du lịch nói riêng vẫn bị thiệt hại nặng nề. Doanh thu du lịch Việt Nam năm 2020 được dự báo sẽ thiệt hại khoảng 61% so với 2019.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, dù Chính phủ và ngành Du lịch đã nỗ lực khắc phục hậu quả và khôi phục hoạt động của Du lịch Việt Nam nhưng kết quả còn hạn chế do mỗi khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp sẽ lại gặp khó khăn mới.
Sự nguy hiểm, khó lường của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường… nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Như vậy, triển khai chuyển đổi số chính là giải pháp sớm khắc phục hậu quả của Covid-19, khôi phục và phát triển ngành Du lịch.
Phát biểu tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để góp phần khôi phục hoạt động du lịch tại Việt Nam và doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi số nhanh hơn, quyết liệt hơn. Liên quan đến nhiệm vụ này, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai 5 nội dung, bao gồm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong marketing du lịch; quản lý và phát triển điểm đến du lịch thông minh; phát triển hệ thống thông tin số ngành Du lịch và các ứng dụng; hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch.
Chuyển đổi để tồn tại
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, khoảng 30% doanh nghiệp du lịch đã đóng cửa hoàn toàn và con số này còn tiếp tục tăng. Trong bối cảnh các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục vận hành với số ít nhân lực còn lại, chi phí con người giảm xuống nhưng hiệu quả lại tăng lên.
Chia sẻ thành công từ chuyển đổi số vào kinh doanh du lịch, Ông Nguyễn Đức Anh, Giám đốc Công ty VPlus cho biết: Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch MICE, tổ chức sự kiện của công ty bị ngưng trệ và công ty buộc phải nghiên cứu sản phẩm mới. Giải pháp được đưa ra là ứng dụng công nghệ số để xây dựng một nền tảng chuyên tổ chức các Giải chạy trực tuyến cho cộng đồng, kết hợp thể thao với du lịch và xúc tiến điểm đến. Theo đó, mỗi giải chạy sẽ gắn với một điểm đến du lịch, người tham gia sẽ cần phải tìm hiểu thông tin về điểm đến, tự thực hiện chặng đua. Ứng dụng sẽ tự động cập nhật kết quả chạy lên trang web sau đó đánh giá xếp hạng và trao giải. Trang web cũng có thể tổ chức các giải chạy thực tế, và người tham gia có thể đặt dịch vụ khách sạn, di chuyển, ăn uống nhờ các công cụ được tích hợp sẵn.
Theo ông Vũ Văn Tuyên – Giám đốc Công ty du lịch Travelogi, nhờ ứng dụng công nghệ mà công ty vừa giải được bài toán về quỹ lương, vừa tăng hiệu quả công việc. "Dịch bệnh Covid-19 và áp lực tài chính khiến công ty buộc phải chuyển mình. Hiện nay sự hiệu quả của các phần mềm giúp cho công ty chỉ cần 6 người vẫn có thể làm được việc của 30 người mà không cần đến văn phòng". – Ông Tuyên chia sẻ. Covid-19 khiến xu hướng và yêu cầu của khách hàng thay đổi nhanh chóng; các doanh nghiệp gặp khó vì không hiểu được khách, không biết sản phẩm liệu có đáp ứng được hay không. Các phần mềm chuyên dụng giúp cho công ty quản lý, đo lường nhu cầu của khách hàng, từ đó nhanh chóng thích ứng và tung ra các dịch vụ phù hợp.
Tổng Giám đốc Công ty Kỳ nghỉ Đông Dương, ông Phạm Minh Tú cho biết: Công nghệ và internet giúp chúng tôi vận hành công ty hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến và từ đó có thể tiếp cận được khách hàng từ khắp cả nước. Trang web của công ty được xây dựng thân thiện, giàu tính tương tác để thu hút khách, giúp khách hàng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm và đặt tour một cách đơn giản nhất. Vận hành trực tuyến giúp giảm chi phí về trụ sở, con người, công tác văn phòng và thủ tục hành chính, từ đó chi phí dịch vụ cũng được giảm và cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều được hưởng lợi./.
Từ khóa:
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN