Doanh nghiệp đăng ký vốn “siêu khủng”: Không nên “choáng”!
Cập nhật: 06/03/2020
VOV.VN - Giấy đăng ký kinh doanh không phải là giấy phép mà chỉ là một giấy chứng nhận từ phía nhà nước. Nó tương tự như giấy khai sinh của con người vậy thôi!
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2020 đã tăng đột biến 115% do có một doanh nghiệp (DN) mới lập với số vốn 144.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 6,3 tỷ USD), chiếm gần 54% tổng vốn đăng ký lập mới cả nước.
Đăng ký vốn “khủng” mà phải “chạy ăn từng bữa”
Theo Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC, được lập bởi 3 người dân với với 59 ngành nghề đăng ký kinh doanh. Số vốn đăng ký “khủng” của DN này vượt qua số vốn của rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là trụ sở doanh nghiệp trên là một tòa nhà đi thuê nằm trong ngõ nhỏ tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Một thành viên cổ đông góp vốn lên đến vài chục nghìn tỷ đồng đã thừa nhận mình chỉ là người kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí phải "chạy ăn từng bữa".
DN nêu trên cần chờ qua 90 ngày (đến 7/4/2020) để cơ quan chức năng xác định chính xác vụ việc.
Trụ sở của doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn 144.000 tỷ đồng ở Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: KT) |
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có số vốn bất thường đã được thông báo cho các bên theo quy định, và được đưa vào diện theo dõi đặc biệt.
Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định rất rõ về các hành vi cấm trong hoạt động đăng ký đầu tư. Ngoài ra, còn có 2 Nghị định, hướng dẫn rất chi tiết về việc xử phạt vi phạm và quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức cố ý vi phạm.
Box phải: Theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tội danh khai khống vốn để được đăng ký đầu tư sẽ có khung xử phạt 10 - 20 triệu đồng/lần vi phạm.
Luật quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp, quyền là được kê khai thông tin theo nội dung, tổng vốn. Luật cũng quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải khai đúng, khai đủ, trung thực và góp đủ số vốn trong thời hạn cam kết.
Vốn đăng ký không đảm bảo uy tín của doanh nghiệp
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Luật Doanh nghiệp đã đưa ra tư duy mới về thúc đẩy kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân cũng như cách quản lý nhà nước. Từ đó, giảm tối đa các rào cản cho việc gia nhập thị trường, tạo nên số lượng doanh nghiệp tư nhân đông đảo, tạo ra động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ… Song, cũng có ý kiến quan ngại rằng nếu doanh nghiệp được thành lập dễ dàng như vậy thì quản lý sẽ như thế nào, liệu có dễ xuất hiện những công ty ma, lừa đảo hay không?
Tự do kinh doanh là một quyền quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. Cá nhân tổ chức đăng ký kinh doanh là thực thi quyền đấy. Nhà nước có nghĩa vụ ghi nhận. Giấy đăng ký kinh doanh không phải là giấy phép, nó chỉ là sự ghi nhận từ phía Nhà nước là có doanh nghiệp muốn ra kinh doanh với số vốn dự kiến như vậy. Điều này cũng giống giấy khai sinh mà thôi", ông Tuấn phân tích. "Phải để ý là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứ không phải là giấy phép kinh doanh".
Trưởng Ban Pháp chế của VCCI nêu rõ: Nếu như doanh nghiệp, cá nhân nào khai khống vốn kinh doanh lên để lừa đảo bên thứ ba, lừa dối Nhà nước để trúng thầu… thì lại là câu chuyện khác. Đây là căn cứ để Nhà nước xử phạt theo các quy định khác, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Việc phát hiện ra con số bất thường từ doanh nghiệp này là nhờ việc đăng ký kinh doanh được tổ chức tập trung tốt. Cục Đăng ký kinh doanh cũng đã nhìn thấy được vấn đề khi doanh nghiệp đăng ký. Về bản chất, họ có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng đồng thời, họ cũng sẽ có những động thái giám sát, thanh tra thường xuyên về tiến độ vốn góp", ông Tuấn nói.
Theo luật, doanh nghiệp có 90 ngày để nộp đủ số tiền đã đăng ký. Sau 90 ngày này nếu chưa thực hiện được, doanh nghiệp vẫn có thêm 60 ngày tiếp theo để bắt buộc điều chỉnh vốn giảm. Nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
Bản khai về giá trị vốn góp của các cổ đông USC Interco tại Phòng đăng ký Kinh doanh Hà Nội. (Ảnh: VnExpress) |
Giả định, nếu các thành viên của doanh nghiệp đăng ký số vốn khổng lồ trên không nộp đủ vốn, bị xử phạt vi phạm hành chính thì những cá nhân này về sau khi tham gia thành lập doanh nghiệp, kinh doanh sẽ được liệt vào nhóm rủi ro cao, sẽ bị các cơ quan nhà nước quản lý chặt hơn.
Ông Tuấn lưu ý: Với bên giao dịch thứ 3, cần ý thức được rằng vốn đăng ký kinh doanh trong giai đoạn đầu không phải là yếu tố tạo ra và đảm bảo uy tín của doanh nghiệp. "Khi muốn ký kết làm ăn phải tìm hiểu nhiều yếu tố khác, đừng tin ngay vào con số đó". Vốn khai nhiều không có nghĩa là lớn và vốn khai ít không có nghĩa là bé. Trên thế giới vẫn có những công ty 1 USD nhưng có thể làm ăn rất bài bản. Ngay ở Việt Nam có nhiều công ty thực tế quy mô, phạm vi kinh doanh rất lớn nhưng vốn điều lệ lại rất khiêm tốn.
Các cơ quan nhà nước không nên sử dụng vốn đăng ký doanh nghiệp như một con số thành tích. Các con số này trong chừng mực nào đó có thể được sử dụng để đánh giá xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp theo ngành hàng, theo địa bàn. Bản chất vốn đăng ký kinh doanh giai đoạn đầu có thể chỉ là dự định kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ./.
Từ khóa: USC Interco, doanh nghiệp vốn siêu khủng, đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký, giấy phép kinh doanh
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN