Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát về đổi mới chương trình sách giáo khoa

Cập nhật: 11/02/2023

VOV.VN - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ vừa tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại các quận/huyện trên địa bàn từ ngày 6 đến 10/2.

 

Đoàn giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung gồm: Đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014-2022; đánh giá các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình (đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học), nguồn kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông…

Tại mỗi nơi giám sát, đoàn đã trực tiếp đặt câu hỏi tới cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới ở các nhà trường. SGK nhà trường sử dụng có đúng là bộ nhà trường đề xuất hay không? Trường có mua thêm các bộ sách khác để giáo viên tham khảo? Giáo viên có đảm bảo đủ số lượng dạy 2 buổi/ngày?…

Kết thúc đợt giám sát, tại buổi làm việc với Lãnh đạo UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, đại điện Đoàn giám sát, ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ nhận định, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện 2 Nghị quyết của Quốc hội được các cấp chính quyền trong thành phố triển khai rất nghiêm túc.
Đặc biệt, các giáo viên tại cơ sở giáo dục rất quan tâm việc cho ý kiến bằng phiếu thông qua quét mã QR Code, nhằm phản ánh kịp thời trực tiếp quá trình triền khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn 93% thầy cô đồng tình với việc đổi mới giáo dục như hiện nay.

Tuy vậy, thông qua việc giám sát cũng cho thấy quá trình thực hiện việc đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông tại Cần Thơ vẫn còn một số khó khăn, như: thiếu biên chế giáo viên, nhất là lực lượng phụ trách giảng dạy môn tích hợp, tự chọn; thiếu nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất; trang thiết bị dạy học chưa kịp tiến độ chung; các thầy cô vẫn đang quá tải trong việc thẩm định SGK, điển hình như hiện nay tài liệu giáo dục địa phương của lớp 7 và lớp 3 vẫn đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến khi bộ phê duyệt thì đã chậm so với tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới…

Ông Đào Chí Nghĩa nhấn mạnh: “Qua việc triển khai, tôi thấy cần phải đánh giá lại quy trình trong việc thực hiện “một chương trình nhiều bộ sách”. Chúng ta cần cân nhắc giải pháp là sẽ có hội đồng đánh giá cấp thành phố đủ khả năng lựa chọn nhiều bộ sách và chọn bộ sách phù hợp với địa bàn cụ thể. Việc giám sát là kết quả bước đầu để đoàn giám sát sẽ có cái rà soát, còn điều quan trọng hơn là ngành giáo dục muốn đạt hiệu quả đổi mới chương trình thì các sở, ngành khác có liên quan, ví dụ Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ phải cùng vào cuộc thì mới tháo gỡ được những cái khó mà ngành giáo dục đang gặp phải”.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phát huy những kết quả đạt được, nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, vướng mắc để rút ra kinh nghiệm; tập trung các nhóm giải pháp trọng tâm để lãnh - chỉ đạo nhằm thực hiện hiệu quả chương trình đổi mới SGK giáo dục phổ thông trong thời gian tới./.

Từ khóa: nhiều bộ sách giáo khoa, chương trình phổ thông mới, giáo dục phổ thông, 4 bộ sách giáo khoa là gì

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập