“Dinh thự họ Vương kêu cứu“: Tiền đi đâu? Trách nhiệm ở đâu?
Cập nhật: 15/08/2020
VOV.VN - Đó là 2 câu hỏi mà 16 người chủ sở hữu hợp pháp Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Dinh thự họ Vương gửi tới những người có trách nhiệm.
Tiền bán vé đi đâu?
Loạt bài “Dinh thự họ Vương kêu cứu” của VOV trước đó đề cập tình trạng xuống cấp trầm trọng của di tích, sự chậm trễ trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích, những sai phạm và cách quản lý ngược đời khó hiểu đối với di tích nói trên và đề nghị thu hồi lại danh hiệu Di tích Quốc gia đối với khu Dinh thự họ Vương của chủ sở hữu.
Trần tầng 1 bị mục, mủn, thủng lỗ rộng cả gang tay nhìn thông lên tầng 2 trong khu hậu dinh, khu Dinh thự họ Vương. Ảnh: T.C |
Vì đâu nên nỗi như vậy? Theo ông Vương Duy Bảo, sở dĩ di tích bị xuống cấp trầm trọng, dẫn đến việc con cháu gia tộc họ Vương buộc lòng phải gửi đơn lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đề nghị trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia, là bởi chính quyền địa phương khai thác du lịch trong thời gian dài hàng chục năm, thu lợi mỗi năm hàng tỷ đồng nhưng không chăm lo đầy đủ đến việc trùng tu, bảo dưỡng di tích. Số tiền bán vé tham quan di tích mỗi năm cũng không biết đã đi đâu, chỉ thấy di tích đội mưa đội nắng, ngày một xuống cấp, đến nay đã đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Theo Báo cáo số 09-BC/UBKT-TTr, ngày 10/3/2020 của Cơ quan Ban kiểm tra - Thanh tra tỉnh Hà Giang về kết quả xác minh đơn tố cáo đối với Sở VH-TT&DL và UBND huyện Đồng Văn, Hà Giang của ông Vương Duy Bảo, thì: Từ năm 2007 - 3/12/2011 UBND huyện Đồng Văn bán vé, thu tiền không nộp ngân sách nhà nước theo quy định; tự ý chi và không mở sổ sách theo dõi nguồn thu, chi, không lập chứng từ thu, chi; hằng năm không quyết toán nguồn thu, không công khai tài chính theo quy định của nhà nước.
Báo cáo kết luận thanh tra số 09-BC/UBKT-TTr nêu rõ những sai phạm liên quan đến di tích quốc gia Dinh thự họ Vương |
Từ ngày 01/01/2013 - 08/2013, số tiền bán vé tham quan thu được hằng tháng nộp cho Trung tâm VH-TT&DL huyện Đồng Văn (có giấy biên nhận). Trung tâm VH-TT&DL huyện nộp kho bạc nhà nước nhưng không mở sổ sách theo dõi nguồn thu, chi phí, lệ phí; không lập phiếu thu phí, lệ phí; không quyết toán nguồn thu, chi phí, lệ phí, không công khai tài chính.
Giai đoạn từ tháng 09/2013 - 31/12/2017, nguồn thu phí, lệ phí tham quan di tích nhà Vương nộp cho Trung tâm VH-TT&DL không lập phiếu thu theo quy định.
Theo thông tin của ông Vương Duy Bảo, từ năm 2017 đến hết quý II/2020, tổng thu từ việc bán vé tham quan di tích như sau: Năm 2017 được 2,051 tỷ đồng; năm 2018 được 2,077 tỷ đồng; năm 2019 được 2,774 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2020 được 613.510.000đ. “Với số tiền bán vé thu được mỗi năm từ 2-3 tỷ đồng, vậy số tiền bán vé hàng tỷ đồng mỗi năm đã được sử dụng ra sao? Có nộp ngân sách nhà nước không? Mỗi năm nộp bao nhiêu tiền? Trong suốt thời gian dài từ năm 2007 cho đến nay không có một chứng từ, sổ sách nào thì UBND huyện Đồng Văn cất tiền đi đâu? Trong khi “họ” ghi số tiền hơn 1,3 tỷ đồng đầu tư trùng tu di tích năm 2007 vào sổ đỏ cấp cho gia đình…”, ông Bảo bức xúc.
Trách nhiệm của ai?
Di tích Quốc gia xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ. Cơ quan quản lý chỉ biết khai thác, bán vé thu tiền, không quan tâm bảo vệ, trùng tu di tích kịp thời. Quản lý di tích phát sinh nhiều sai phạm. Quản lý tài chính không rõ ràng minh bạch, không lập chứng từ, không công khai… Tất cả đều đã được thanh tra kết luận. Tuy nhiên, các cấp quản lý tỉnh Hà Giang vẫn “bình chân như vại” trước sự xuống cấp của di tích Quốc gia.
Lãnh đạo huyện Đồng Văn và đại diện dòng họ Vương kiểm tra thực trạng di tích Dinh thự họ Vương, ngày 8/8/2020. Ảnh: T.C |
Về góc độ pháp lý, luật sư Trần Anh Tuấn, Công ty Luật Minh Bạch, nhận định: Trách nhiệm đầu tiên để xảy ra tình trạng di tích nhà Vương bị xuống cấp như vậy thuộc về UBND huyện Đồng Văn, đơn vị trực tiếp quản lý di tích. Tuy nhiên, không thể không kể đến trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang và Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, di tích này lại nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận. Theo luật, việc quản lý di tích Quốc gia giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố tiếp tục phân cấp về huyện, xã quản lý trực tiếp nhưng vẫn phải có trách nhiệm giám sát. Các sở VH-TT&DL phải có kế hoạch kiểm kê, quản lý hằng năm và báo cáo cơ quan cấp trên để có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn, trùng tu di tích. Cả một hệ thống quản lý chặt chẽ, nhiều cấp như vậy mà vẫn để xảy ra tình trạng di tích bị xuống cấp, xâm hại như tại nhà Vương là điều không thể chấp nhận được.
Không thể không kể đến trách nhiệm của Sở VH-TT&DL và UBND tỉnh Hà Giang trong vấn đề liên quan đến Dinh thự họ Vương. Ảnh: T.C |
Ông Vương Duy Bảo cho biết: “Trong nhiều buổi làm việc liên quan đến việc xây dựng quy chế quản lý di tích nhà Vương giữa chúng tôi và UBND huyện Đồng Văn không có đại diện của Sở VH-TT&DL hay UBND tỉnh. Điều này dẫn đến thực trạng là chúng tôi cứ “tay bo”, bên nào cũng bảo vệ ý kiến của mình mà chả có cơ quan trung gian nào có thẩm quyền để đưa ra kết luận. Bởi vậy, bản quy chế dù đã được huyện thông qua, ban hành mà không hề có ý kiến của gia tộc họ Vương cũng là điều dễ hiểu. Đây là sự thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm của Sở, tỉnh sau khi phân cấp quản lý di tích cho huyện Đồng Văn, họ không thể phân cấp rồi đẩy hết trách nhiệm cho huyện được”./.
Từ khóa: Dinh thự Vua Mèo, Nhà Vương, Sà Phìn, Đồng Văn, Vương Chí Sinh
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN