Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không bôi kem chống nắng
Cập nhật: 09/12/2022
VOV.VN - Nhiều người có thói quen chỉ bôi kem chống nắng khi ngoài trời nắng. Tuy nhiên, sự thật là bạn nên thoa kem ngay cả khi trời mát, vì việc không thoa kem chống nắng sẽ gây ra một số vấn đề cho da.
Các vết đồi mồi xuất hiện khi bạn tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài. Chúng gây ngứa, tạo cảm giác nóng rát và đau.
Lão hóa sớm: Nếu bạn không thoa kem chống nắng, bức xạ tia cực tím có thể làm hỏng collagen và mô liên kết trên da, khiến da mất tính đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn, chảy xệ và lão hóa ở những người trẻ tuổi. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Úc đã tiết lộ rằng việc thoa kem chống nắng thường xuyên sẽ kiểm soát quá trình lão hóa da ở nam giới và phụ nữ trung niên khỏe mạnh.
Sạm Da: Da của bạn sản xuất melanin với số lượng quá mức như một phần của quá trình bảo vệ tự nhiên chống lại bức xạ mặt trời. Điều này để lại các mảng tối trên da khiến da không đều màu. Thoa kem chống nắng thường xuyên sẽ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lão hóa do ánh nắng và các bất thường về sắc tố trên da.
Bỏng nắng: Các vết bỏng trên da gây ra do tiếp xúc quá nhiều với bức xạ tia cực tím từ mặt trời được gọi là cháy nắng. Da của bạn có thể bị cháy nắng từ nhẹ đến nặng, xuất hiện dưới dạng các mảng đỏ, nóng, đau, trên da có mụn nước. Lớp da nám bong ra sau vài ngày.
Ung thư da: Bức xạ tia cực tím có thể gây ra tổn thương DNA, tạo ra đột biến gen, cuối cùng có thể gây ung thư da, khi đó các tế bào da nhân lên nhanh chóng để tạo thành một khối u ác tính. Nghiên cứu về ung thư và phụ nữ ở Na Uy đã kết luận rằng sử dụng kem chống nắng có SPF>=15 giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư hắc tố hơn so với kem chống nắng có SPF<15.
Viêm nhiễm: Tình trạng viêm có thể xảy ra trong mô da của bạn khi da tiếp xúc với bức xạ tia cực tím có hại. Viêm là một phần của quá trình chữa lành tự nhiên của làn da bị tổn thương. Bạn có thể cảm thấy sưng, đỏ và đau.
Da khô: Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ làmda mất độ ẩm và dầu tự nhiên. Từ đó gây ra tình trạng mất nước, cuối cùng gây ra các các mảng khô, thô ráp ở những vùng da bị ảnh hưởng. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên người Nhật Bản cao tuổi, người ta tiết lộ rằng sau khi thoa kem chống nắng thường xuyên trong 18 tháng, hàm lượng nước trong lớp sừng trên da tăng lên đáng kể.
Sẹo: Khi vết thương đang lành hoặc mụn trứng cá tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ dẫn đến sẹo trên da. Bức xạ tia cực tím chiếu vào mô đang chữa lành vết viêm trên da, gây ra hiện tượng tăng sắc tố sau viêm (PIH), để lại những vết sẹo màu nâu sẫm. Kem chống nắng khá hiệu quả trong việc kiểm soát chứng tăng sắc tố sau viêm và nám da. Tuy nhiên bạn cần lưu ý không bôi kem chống nắng lên vết thương hở mà chỉ thoa vết thương đã lành để vết sẹo mờ đi nhanh hơn.
Vỡ mạch máu: Các tia UV từ mặt trời có thể làm hỏng đầu các mạch máu nhỏ bên dưới mô da của bạn. Khi có hiện tượng chảy máu trên da, chất lỏng sẽ rò rỉ ra từ các mạch bị tổn thương, dẫn đến các vết sưng và vết đỏ trên da. Kem chống nắng giúp ngăn ngừa sự giãn nở của các mạch máu bằng cách bảo vệ chúng khỏi bức xạ tia cực tím có hại.
Hệ thống miễn dịch yếu hơn: Tiếp xúc với tia cực tím có thể thay đổi sự phân bố và hoạt động của một số tế bào miễn dịch trên da của bạn. Bức xạ tia cực tím thúc đẩy sự gia tăng của các cytokine cùng với sự gia tăng hoạt động của tế bào T, cản trở phản ứng miễn dịch của da bạn./.
Từ khóa: kem chống nắng, dưỡng da, skincare, cách chọn kem chống nắng phù hợp, bôi kem chống nắng đúng cách, có cần bôi kem chống nắng mùa Đông
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN