Diệt tham nhũng quyền lực sẽ làm rung chuyển các tham nhũng khác
Cập nhật: 21/01/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Thành công trong phòng, chống tham nhũng quyền lực có ý nghĩa rất lớn, làm rung chuyển các loại tham nhũng khác, là yếu tố thành công của cuộc chiến chống tham nhũng.
Chuyên gia nhấn mạnh điều này tại Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng – thực trạng và giải pháp” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức sáng 21/1.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban ngành, thành uỷ, tỉnh uỷ và chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng".
Chưa bao giờ chống tham nhũng mạnh mẽ, hiệu quả như vừa qua
GS.TS Tạ Ngọc Tấn – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh, để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng thì cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ quyền hạn.
Nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng các chế định pháp lý, quy định chặt chẽ, có tính hệ thống. Quyền lực phải được đảm bảo các điều kiện để thực thi hiệu quả, đồng thời cũng ràng buộc chặt chẽ bằng trách nhiệm: Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng nặng nề; hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để vụ lợi phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc.
“Chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội” – ông Tạ Ngọc Tấn nói.
Tuy vậy, công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng còn những tồn tại, hạn chế. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực trong tình hình mới đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi việc thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng cần được chú trọng, nâng cao hơn nữa.
Phải tập trung vào công tác cán bộ
Còn theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông – Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, kiểm soát quyền lực là một vấn đề phức tạp, khó nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ không có kết quả, bởi mọi hành vi tham nhũng đều xuất phát từ quyền lực, bao gồm cả quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế.
Ông Nguyễn Viết Thông cho rằng, muốn kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng phải tập trung vào công tác cán bộ, bởi quyền lực gắn với con người cụ thể.
Công tác cán bộ thực hiện sai nguyên tắc, thực hiện quy trình chỉ là hình thức; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… phát triển là biểu hiện cụ thể của tham nhũng quyền lực.
“Thành công trong công tác phòng, chống tham nhũng quyền lực có ý nghĩa rất lớn, làm rung chuyển các loại tham nhũng khác, là yếu tố thành công của cuộc chiến chống tham nhũng” – ông Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.
Thực tế trên đòi hỏi phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đặc biệt sử dụng, bổ nhiệm cán bộ cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu trong cả hệ thống chính trị. Cùng với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức; không để người đứng đầu “đứng ngoài cuộc” khi cơ quan họ phụ trách có tham nhũng./.
Từ khóa: Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Chính trị, ban Bí thư
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN