Điểm nghẽn ở Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu gây tranh cãi
Cập nhật: 1 ngày trước
Điện thương phẩm tháng 10/2024 của EVNNPC tăng gần 4%
Quốc hội đồng ý chuyển hơn 110.600 tỷ đồng sang chi trả lương cơ sở năm 2025
VOV.VN - Sau nhiều lần xin ý kiến cho Dự thảo Nghị định xăng dầu, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi ở các đề xuất mới, đặc biệt quy định về hệ thống xăng dầu.
Điểm mới ở Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lần này, về hệ thống xăng dầu Bộ Công Thương đưa thêm đề xuất: “Thương nhân phân phối chỉ lấy hàng từ đầu mối”, thay vì quy định hiện hành là được lấy hàng từ đầu mối và được mua bán lẫn nhau. Quy định mới này được hiểu là thương nhân phân phối (TNPP) không được mua bán lẫn nhau.
Lý do Bộ Công Thương đưa ra đề xuất trên là “xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện” nên phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện quy định cụ thể với từng mắt xích trong chuỗi… để đảm bảo an ninh năng lượng.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo đã thẳng thắn đặt câu hỏi: "Kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện, vậy các quy định ở nghị định đối với kinh doanh xăng dầu có được vượt qua các luật không?… Tôi cảm giác như các nhà hoạch định đang nhầm lẫn, đưa ra điều kiện có thể là cao hơn luật, thậm chí là không phù hợp với luật… Thế nhưng họ cho là không sai, mà giải thích là do đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Vậy, kinh doanh "có điều kiện" mà chúng ta đưa ra có cần phải hợp luật không?”.
Vị này cũng cho rằng, Nghị định đã quy định rất rõ các điều kiện để DN tham gia vào thị trường, khi họ đạt được rồi thì không nên quy định “ông này phải mua của ông kia, ông kia không được mua của ông này”. “Người ta đủ điều kiện rồi, sao hạn chế được?”, ông Bảo nhấn mạnh những vô lý hiện nay, khi vin vào “kinh doanh có điều kiện” để hạn chế quyền của một số DN, điều này có thể ảnh hưởng đến tính thị trường của xăng dầu.
Thực tế, một thương nhân phân phối (TNPP) cho hay, tại nghị định quy định rất rõ các điều kiện về kho, bể chứa; phương tiện vận chuyển; phòng cháy chữa cháy; hệ thống phân phối gồm số đại lý và cửa hàng trực thuộc phải đảm bảo… “Khi đảm bảo tất cả các yêu cầu trên, DN mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu”, vị thương nhân nói và khẳng định, TNPP là một mắt xích không thể thiếu trong hệ thống xăng dầu, là cánh tay nối dài cho đầu mối để phân phối xăng dầu đến khắp mọi miền của tổ quốc...
Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, TNPP không được mua bán và trao đổi hàng hoá với nhau là mất đi tính điều hoà và tạo nguồn cho thị trường. Thực tế, từ ngày nghị định xăng dầu ra đời đến nay, TNPP đã làm tốt vai trò phân phối của mình, trong khi, tất cả những khó khăn trong vài năm qua làm ảnh hưởng đến ngành xăng dầu đều bắt nguồn từ các thương nhân đầu mối... Đơn cử, các “ông lớn” bê bối như Bách Khoa Việt, Hải Hà, Trung Linh Phát, Xuyên Việt Oil, Thiên Minh Đức...
Năm 2022 khởi phát những bất ổn của thị trường xăng dầu, khi giá xăng dầu trên thế giới “lên hương”. Trong nước, tình trạng đứt nguồn cung lan rộng từ Nam ra Bắc, hình ảnh hàng dài xe xếp hàng đổ xăng, hay việc đi hàng cây số tìm mua xăng đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân chủ quan đến từ lỗ hổng chính sách. Trong đó, vấn đề cân bằng lợi ích các bên được đánh giá chưa được khắc phục trong lần sửa đổi nghị định lần này. Đó là việc phân chia chiết khấu ở khâu từ đầu mối, phân phối cho bán lẻ.
Một thương nhân phân phối xăng dầu kể: Có thời gian ở TP.HCM một số DN đầu mối cùng nhập chung một lô hàng nên chiết khấu như nhau. Thậm chí họ bảo nhau do hàng về ít nên không cần chiết khấu cao, ai mua thì mua. Lúc đó, thương nhân phân phối phải “ngồi đợi” các đầu mối bán ra, chiết khấu cho bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu.
“Đó là cục bộ những thời điểm giá xăng dầu xuống thấp. Còn thời điểm giá thế giới tăng đột biến, tàu dầu về thường được neo ngoài khơi chưa cần cập bến, đợi qua kỳ điều chỉnh, giá tăng họ mới cho tàu cập bến. Những điều này chỉ có đầu mối điều khiển, còn TNPP không làm được vì TNPP chỉ được lấy hàng từ đầu mối”, thương nhân phân phối nêu.
Để sửa những bất cập, ở dự thảo nghị định mới, Bộ Công Thương đề xuất cho đầu mối được tự quyết giá xăng dầu. Theo đó, Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để DN tự quyết định giá, kê khai giá và thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát. Giá bán xăng dầu tối đa sẽ được xác định bằng chi phí tạo nguồn và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức cộng thuế giá trị gia tăng. Điều đáng nói, chi phí này sẽ được quy định ngưỡng cụ thể theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, hình thức này vẫn là “bình mới, rượu cũ”. Do đó, cần cởi trói hoàn toàn để DN tự quyết định giá. Tức là chỉ quy định công thức phải có là gì, còn công thức đó bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào từng DN nhất định, không ai giống ai đó mới là thị trường, mới giải quyết được việc tính đúng, tính đủ, đảm bảo lợi ích giữa các bên và những bất cập hiện nay cũng được khắc phục. Công thức cụ thể như đề xuất của Bộ Công Thương hiện nay chỉ nên dùng trong trường hợp cần bình ổn giá.
Cho rằng vướng mắc không chỉ nằm ở hệ thống xăng dầu và điều hành giá, điểm nghẽn ở Dự thảo Nghị định còn nằm ở cách quy định về quỹ bình ổn xăng dầu, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam lưu ý: Việc xây dựng nghị định xăng dầu cần rõ định hướng, quan điểm được Tổng Bí thư Tô Lâm là “dứt khoát phải bỏ tư duy quản không được thì cấm”, đồng thời cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh.
Tổng sản lượng xăng dầu hoàn toàn kiểm soát được
Theo lý giải của Bộ Công Thương, đề xuất cấm TNPP mua bán lẫn nhau là thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ khi cho rằng, “tổng nguồn tạo ra không chuẩn xác, ảnh hưởng đến điều hòa cung cầu” và “còn tạo ra tầng nấc mua qua bán lại để hưởng chênh lệch giá, chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu”.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả đánh giá, kết luận của Thanh tra Chính phủ hiện đã được giải quyết khi ở ự thảo nghị định quy định, các đầu mối phải kết nối dữ liệu với Bộ Công Thương. Việc kết nối này giúp Bộ Công Thương hoàn toàn kiểm soát được tổng nguồn. Do đây là đơn vị duy nhất được quyền tạo nguồn (được nhập khẩu, và được mua hàng 2 nhà máy lọc dầu trong nước). Vì thế, vấn đề này đưa ra để “cấm TNPP mua bán lẫn nhau” không còn phù hợp và lạc hậu.
“Thực tế, xăng dầu của TNPP thường gửi ở kho của đầu mối đến 70-80%, vì TNPP có kho riêng rất ít”, vị chuyên gia lập luận. Hiện Bộ Công thương yêu cầu gắn các thiết bị theo dõi về lượng. Đặc biệt, hiện hoá đơn điện tử 100%, con số này thể hiện rõ lượng nhập bao nhiêu, lượng xuất bao nhiêu. Do đó, chỉ cần quản lý đầu mối, Bộ Công thương sẽ nắm được lượng cung cho thị trường.
Đây cũng là quan điểm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đại diện VCCI cũng cho rằng, cần xem xét lại quy định này bởi chúng ta sửa nghị định theo hướng tiến tới thị trường hóa, nhưng thực tế lại đang làm theo cách "không quản được thì cấm".
Từ khóa: kinh doanh xăng dầu, kinh doanh xăng dầu,dự thảo, nghị định, điểm nghẽn, tranh cãi
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN