Điểm chuẩn khối D tăng kịch trần do đề thi tiếng Anh quá dễ?
Cập nhật: 17/09/2021
[VOV2] - Theo đánh giá của các chuyên gia, đề thi môn tiếng Anh năm 2021 quá dễ so với các môn khác dẫn đến điểm chuẩn những ngành có xét tuyển môn tiếng Anh bị đẩy lên quá cao. Điều này gây ra sự không công bằng cho thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp khác.
Điểm chuẩn tất cả các trường đều tăng "sốc"
Điểm chuẩn xét tuyển đại học chính quy dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 nhóm các trường Đại học “top trên” năm nay vẫn rất cao. Thậm chí một số ngành/chương trình đào tạo có mức điểm chuẩn kịch trần.
Đáng chú ý nhất là điểm chuẩn xét tuyển vào tất cả các ngành của trường đại học Ngoại thương đều từ trên 28 điểm trở lên. Trong đó, ngành Luật có mức điểm thấp nhất là 28,05 điểm. Cao nhất là ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh (Cơ sở II TP. Hồ Chí Minh) là: 28,55 điểm.
Tại trụ sở chính ở Hà Nội, ngành học có mức điểm chuẩn cao nhất là Ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế: 28,50, Ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, Quản trị khách sạn: 28,45.
“Điểm chuẩn của trường đều tăng trên dưới 1 điểm. Nhưng đối với những ngành có môn Ngoại ngữ nhân hệ số thì mức độ tăng cao hơn so với các ngành còn lại. Đặc biệt ngành ngôn ngữ Trung tăng 2,75 điểm so với năm 2020 với mức điểm chuẩn là 39,35”, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương) cho biết.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng gây “choáng” cho nhiều thí sinh khi phải đạt gần 27 điểm trở lên mới có cơ hội trúng tuyển vào các ngành học của trường này. Trong đó những ngành có mức điểm chuẩn cao là: Kinh doanh quốc tế (28.25 điểm), Kiểm toán (28,1 điểm), Kinh tế quốc tế (28,05 điểm)...
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của một trường kỹ thuật hàng đầu của phía Bắc cũng như của cả nước khi năm nay trường thu hút được 68% thí sinh đạt 29 điểm trở lên 3 môn tổ hợp A00 và A01 trên Toàn quốc trúng tuyển ngành khoa học máy tính.
Với chỉ tiêu 300, điểm chuẩn IT1 (CNTT: Khoa học máy tính) là 28,43 điểm. Tiếp đó là ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (CT tiên tiến): 28.04; CNTT: Kỹ thuật máy tính: 28.1 điểm…
Tuy nhiên gây sốc nhất cho các thí sinh vẫn là Ngành Hàn Quốc học (tổ hợp C00) của trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi có mức điểm chuẩn tuyệt đối: 30 điểm.
Mùa tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng chứng kiến sự bứt phá của các trường đại học top dưới. Đơn cử như ngành CNTT (Trường Đại học Thủy Lợi) năm nay cũng có mức điểm chuẩn rất cao: 25.25 (tăng 2,5 điểm so với năm 2020). Các ngành học khác của trường cũng có mức điểm chuẩn tăng từ 1-3 điểm so với năm 2020.
Nhiều ngành học của Trường Đại học Giao thông vận tải có mức điểm chuẩn từ 24 điểm trở lên. Trong đó đáng chú ý ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có mức điểm chuẩn cao nhất: 26.35 điểm.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, việc điểm chuẩn tăng không nằm ngoài dự đoán của nhà trường.
“Xu hướng của các trường Đại học trong mùa tuyển sinh năm nay đều đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh. Đặc biệt là tăng tỉ lệ tuyển sinh bằng kết quả học bạ cho nên chỉ tiêu còn lại để xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT không nhiều do vậy đã đẩy điểm chuẩn lên cao”, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương đánh giá.
Ông Chương cũng khẳng định điểm chuẩn tăng không có nghĩa là chất lượng đầu vào tăng.
Điểm chuẩn khối D tăng kịch trần do đề thi tiếng Anh quá dễ?
Phó Giám đốc Học viện Tài chính Nguyễn Đào Tùng cũng cho rằng, điểm chuẩn năm 2021 cao do phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ đểm 8-8,5 rất nhiều. Tuy nhiên, điểm chuẩn đại học cao không phải do số lượng học sinh giỏi, xuất sắc nhiều hơn năm trước mà chủ yếu liên quan đến đề thi.
Phân tích kỹ điểm chuẩn xét tuyển đại học chính quy năm 2021, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (Trung tâm HOCMAI) nhận thấy, điểm trúng tuyển tăng mạnh ở khối ngành kinh tế và các ngành tuyển sinh các tổ hợp có môn tiếng Anh. Điều này cho thấy những bất hợp lý trong công tác ra đề thi.
Cụ thể, theo thầy Vũ Khắc Ngọc, đề thi môn tiếng Anh năm 2021 quá dễ so với tương quan các môn thi khác dẫn đến mức điểm chuẩn của những ngành có xét tuyển môn tiếng Anh bị đẩy lên rất cao và gây ra sự không công bằng cho học sinh xét tuyển bằng các tổ hợp khác.
“Theo nhận định của tôi, học sinh thi khối A được 26 điểm sẽ tương đương với 26 điểm so với năm 2020. Nhưng một thí sinh thi khối D đạt 26 điểm thì sẽ chỉ tương đương khoảng 24 điểm so với năm 2020. Do vậy, khi hai thí sinh này cùng xét tuyển vào một trường và cùng một ngành học thì bạn khối A sẽ bị thiệt đáng kể so với các bạn khối A1 hay khối D”, thầy Vũ Khắc Ngọc phân tích.
Thầy Ngọc cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có sự tính toán kỹ khi thiết kế đề thi vì nhiều trường Đại học thường lấy chung một mức điểm chuẩn cho tất cả các tổ hợp.
Phân tích về điểm chuẩn của Học viện Tài chính năm 2021, ông Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện cũng cho rằng, sự đồng không đồng đều về đề thi đã ảnh hưởng đến điểm chuẩn của mỗi tổ hợp.
“Như Học viện Tài chính một số ngành phải xét tuyển khối A00, A01, khối D riêng để đảm cơ hội cho thí sinh. Điều này đã được xác định trong phương án tuyển sinh rồi. Và nhìn vào mức điểm chuẩn của trường thì khối A00 và các khối có môn tiếng Anh là chênh nhau rõ rệt.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương) đánh giá, nhóm thí sinh có điểm từ 26-27 trở lên đối với tổ hợp có môn Ngoại ngữ tăng gấp đôi so với năm 2020. Do phổ điểm tăng cao như vậy cho nên điểm chuẩn của các tổ hợp có môn ngoại ngữ đều tăng so với năm 2020.
“Cùng 1 ngành mà tuyển nhiều tổ hợp trong đó có cả những tổ hợp A00 và các tổ hợp có môn ngoại ngữ như A01, D01, D07… thì rõ ràng những thí sinh xét tổ hợp có môn Ngoại ngữ sẽ thuận lợi hơn”, bà Hiền khẳng định.
Bên cạnh nguyên nhân về sự không đồng đều giữa các đề thi, thầy Vũ Khắc Ngọc, Trung tâm HOCMAI cho rằng, định hướng nghề nghiệp hiện nay của học sinh rất yếu. Sự mơ hồ về định hướng nghề nghiệp khiến cho việc chọn ngành, chọn trường chạy theo xu hướng, theo phong trào mà không căn cứ vào năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của xã hội dẫn đến những nhóm ngành CNTT, khối ngành kinh tế bị đẩy lên quá cao.
“Có những trường kinh tế chỉ là top 2 nhưng điểm chuẩn cũng 27,5 điểm. Đây là mức điểm chuẩn lịch sử và nếu là những năm trước có thể đã là thủ khoa”, thầy Ngọc băn khoăn.
"Điểm chuẩn xét tuyển đại học chính quy dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có cao nhưng cũng không phải là sự đột biến. Có hai nguyên nhân chính khiến điểm chuẩn cao là do đề thi năm nay được đánh giá dễ hơn năm 2020 và các trường đa dạng hóa hình thức tuyển sinh. Tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm nên sự cạnh tranh tăng lên.
Tuy nhiên, điều tôi quan tâm là dù điểm chuẩn khối ngành kỹ thuật-công nghệ năm nay có tăng hơn so với năm 2020 nhưng về cơ bản điểm chuẩn cao vẫn tập trung vào khối ngành Kinh tế-Quản trị kinh doanh.
Việc nhiều học sinh giỏi chạy đua học nhóm ngành này dù không nằm ngoài xu thế chung của thế giới nhưng tôi e ngại là thí sinh bị ảo tưởng về hình mẫu nghề nghiệp khi theo học những ngành này. Thậm chí nơi này, nơi kia thổi phồng về sự thành đạt khi học các ngành kinh tế-quản trị kinh doanh khiến học sinh bị ám ảnh và muốn chạy theo những ngành học đấy để kiếm tìm sự thành công."- TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp (Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam) phân tích.
Từ khóa: điểm chuẩn, tiếng anh, khối D, tổ hợp, tuyển sinh, đại học, xét tuyển, công bằng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2