Dịch COVID-19 sẽ hết, Mẹ sẽ về!

Cập nhật: 08/09/2021

VOV.VN - Những ngày này, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, chị Giang Thị Kim Cúc cùng cộng sự vẫn là những chiến binh với những chuyến xe mai táng 0 đồng, tại những nơi mà chị gọi là: Tuyến cuối nơi tâm dịch. 

 

 

Giang Thị Kim Cúc, một trong những thành viên của tổ chức Trashpackers (Người đi nhặt rác) đầu tiên tại Việt Nam còn được biết đến với tên gọi: "Nữ chiến binh nhặt rác" vì môi trường xuyên Việt. Những ngày này, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, chị Cúc cùng cộng sự vẫn là những chiến binh với những chuyến xe mai táng 0 đồng, tại những nơi mà chị gọi là: Tuyến cuối nơi tâm dịch. 

Đêm đã về khuya nhưng chị Giang Thị Kim Cúc và các cộng sự của mình vẫn chưa ngơi tay. Vẫn còn nhiều lắm những cuộc gọi, những lời cầu xin, xen lẫn những nghẹn ngào, nức nở ở đầu dây bên kia.

"Còn khẩu trang không cả team? Cho chị 2 bộ bảo hộ, bộ nào có sọc xanh ý. Cho chị thêm khẩu trang... đưa mặt nạ đây.....".

"2 ca cuối chị làm nha. Có ai có cọng thun buộc tóc không cho chị cái để cột tóc đi. 2 ca này là 2 ca cuối. Hỏi có giấy báo tử chưa. Ca này Cúc làm luôn...".

Đây là những âm thanh hối hả nối tiếp nhau của các thành viên trong nhóm. Cùng với đó là những cuộc điện thoại liên tục gọi đến.

Hơn 2 tháng nay nhóm thiện nguyện của Giang Thị Kim Cúc và cộng sự gồm 70 thành viên chia thành nhiều nhóm, len lỏi trong các ngõ hẻm của TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ những gia đình có người mất mà không thể mai táng. Hẳn sẽ có nhiều người đặt câu hỏi, điều gì khiến họ vượt qua nỗi sợ, quyết tâm ở lại Sài Gòn để hỗ trợ những chuyến xe cuối cùng cho mỗi phận đời như vậy?

"Khi vừa rồi bà ngoại em mất, em cũng chỉ có thể lạy qua màn hình thôi, em phải lập bàn thờ ở trong khu cách ly, em cảm nhận rất rõ sự mất mát đó. Nhìn bà con ở đây rất buồn, mà chỉ có nhóm chúng em mới tiếp cận được với người nhà, em không sợ nữa, em muốn mình là người đại diện, giống như mình thay mặt con của những người đã mất làm công việc đưa tiễn phần còn lại cho cha mẹ của họ. Đó chính là động lực để em quay về Sài Gòn làm công việc mai táng này...", chị Cúc chia sẻ.

Chị Cúc tâm sự, có hàng ngàn tình huống, câu chuyện ở những chuyến xe cuối cuộc đời. Và đôi khi, thực hiện những lời cầu mong của thân nhân người quá cố như thế này lại khiến họ nhẹ lòng.

"Có những khoảnh khắc người thân không thể mai táng được nên đã nhờ nhóm khi mai táng thì kéo tấm vải xuống để coi người đó có phải là mẹ hay không. Em ấy kể khi đó em giận mẹ, đã bỏ về Sài Gòn nhưng ngay sau đó phường họ báo là mẹ em mất rồi, em chưa kịp nói xin lỗi mẹ. Chị ơi, chị qua mai táng mẹ em rồi chị xin lỗi mẹ giùm em.... Đó là những cảm xúc không thể diễn tả được, đau lòng lắm", chị Cúc kể về 1 trường hợp.

Bên cạnh những chuyến xe mai táng 0 đồng, từ nguồn đóng góp của các mạnh thường quân, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhóm Giang Thị Kim Cúc và cộng sự cũng thực hiện những chuyến xe đưa gạo và thực phẩm thiết yếu hỗ trợ người dân khó khăn, giúp họ có thể vượt qua giai đoạn này. Nhưng canh cánh trong lòng Giang Thị Kim Cúc vẫn là những chuyến xe mai táng 0 đồng còn rất nhiều điều cần thực hiện.

"Liên hoa viên là một dự án mà em ấp ủ lâu rồi. Cúc sẽ trích một quỹ để xây riêng Bảo Tháp. Bảo Tháp đó sẽ nhận hài cốt của những người không có nơi nương tựa, hoặc những hài cốt đã bị thất lạc tên thì Cúc xin phép nhận hài cốt về chùa...và trong đó sẽ có một phần dành cho các thai nhi...", chị Cúc nói.

Những chuỗi ngày áp lực, mệt nhoài dường như vơi đi nhiều lắm khi chị lại được áp tai điện thoại nghe lời thủ thỉ của cô con gái nhỏ đang ở quê nhà Bình Phước hằng đêm. Hơn 2 tháng không gặp mẹ nhưng bé Nguyễn Ngọc Gia Hân, 13 tuổi cứng cỏi lắm. Bé là nguồn động viên lớn lao với chị trong những ngày khó khăn này.

"Đôi lúc con cũng cảm thấy tủi thân và buồn nhưng sau đó con cũng cảm thấy rất hãnh diện vì con có một người mẹ biết lo cho đất nước, con cũng thấy vui mặc dù con cũng không đành lòng, không cam tâm để cho mẹ con đi đâu. Thì con cũng nói với mẹ, đi thì phải về, con không muốn mẹ kẹt ở dưới đó. Con chỉ muốn mẹ tiêm vaccine đầy đủ rồi mẹ muốn làm gì mẹ làm thì mẹ làm. Con yêu mẹ, con sẽ ở Bình Phước đợi mẹ về", chị Cúc tự hào.

Được ôm con vào lòng, được hít hà thương yêu là mơ ước lớn nhất của người mẹ. Dịch sẽ hết, mẹ sẽ về - Đó không chỉ là lời hứa đoàn viên mà còn là lời cam kết với cô con gái nhỏ về những dự án vì cộng đồng của 2 mẹ con vẫn còn dang dở.

"Em với con em có một lời hẹn với nhau là, khi nào đất nước mình khống chế được dịch thì 2 mẹ con mình sẽ tổ chức đi nhặt rác ăn mừng", chị Cúc cho biết./.

Từ khóa: Mai Táng 0 Đồng, TP.HCM, Nhóm Giang Kim Cúc, Mai Táng 0 Đồng, người nhà bệnh nhân, hoạt động thiện nguyện, người chết vì covid-19 ở TPHCM, covid-19

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập