Dịch Covid-19 kéo dài đến cuối năm thì nền kinh tế "nguy kịch"?
Cập nhật: 07/04/2020
VOV.VN -Theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến cuối năm thì vấn đề không còn là trầm trọng nữa mà nó trở thành sự nguy kịch của nền kinh tế
Những ngày này, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã có những cách làm riêng để chung tay cùng Chính phủ chống dịch Covid-19. Một báo cáo công phu, đánh giá một cách toàn diện tác động của Covid-19 đến nền kinh tế đã được công bố ngay trong những ngày cách ly toàn xã hội – cũng là cách mà các nhà khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân góp sức cho cuộc chiến chống Covid-19.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến cuối năm, số doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động bình thường chỉ chiếm dưới 10%. |
Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta đến nay, thì đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này của một cơ sở giáo dục đại học trong nước, được nhóm tác giả gồm hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành phân tích từ khối lượng dữ liệu khổng lồ từ các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế cùng hơn 500 doanh nghiệp. Về các khuyến nghị chính sách trong giai đoạn dịch và hậu Covid-19 được đưa ra trong Báo cáo.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân về vấn đề này:
PV: Thưa ông, Báo cáo tác động của dịch của Covit-19 đến nền kinh tế nước ta đã đưa ra những kịch bản ảnh hưởng như thế nào?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường: Nhóm nghiên cứu dự báo: Nếu như tình trạng dịch bệnh khống chế được trong tháng 4 này, thì số lượng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì hoạt động được sẽ chiếm khoảng chừng 50%, và khoảng 30% doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải cắt giảm quy mô và thậm chí đến 1 tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ là phải phá sản.
Nhưng ngược lại, nếu như dịch bệnh mà còn kéo dài đến hết quý 2 thì tác động khó khăn của doanh nghiệp sẽ thay đổi rất lớn, và chúng ta thực hiện giãn cách xã hội, là đình trệ lại tất cả những nguồn cung đầu vào cũng như là tiêu thụ đầu ra, thì số lượng doanh nghiệp mà tiếp tục hoạt động bình thường duy trì được sẽ giảm xuống rất nhanh, chỉ còn khoảng 15%.
Trong khi đó, những doanh nghiệp cắt giảm quy mô tăng lên đến 50% thậm chí là khoảng chừng 7-8% số doanh nghiệp sẽ phá sản. Trầm trọng hơn là nếu như dịch kéo dài đến hết quý 3 và đến cuối năm thì số doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động bình thường chỉ chiếm dưới 10%, trong khi đó, số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tăng lên đến 40%.
PV:Dựa trên những kịch bản như vậy thì Báo cáo có những khuyến nghị giải pháp phản ứng chính sách ra sao cho nền kinh tế, thưa ông?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường: Báo cáo hướng vào 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất: nếu như chúng ta khống chế được sớm dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng không quá trầm trọng, thì nhóm giải pháp này sẽ hướng vào những giải pháp mang tính chất gọi là hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho người lao động.
Ngược lại, nếu như tình trạng dịch bệnh kéo dài cho đến cuối năm vấn đề không còn là chỉ trầm trọng nữa mà nó trở thành sự nguy kịch của nền kinh tế, bởi vì số lượng doanh nghiệp phá sản sẽ tăng lên. Trong trường hợp đấy thì nhóm giải pháp lúc đó không chỉ còn lại hỗ trợ mà phải chuyển sang là những giải pháp để giải cứu cho doanh nghiệp, giải cứu nền kinh tế.
PV:Theo đánh giá của ông, cần phải chú ý vào những điểm gì để mà triển khai có hiệu quả các giải pháp, cũng như các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, thưa ông?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường: Muốn làm được việc hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng thì tôi cho rằng, việc đầu tiên là chúng ta phải đưa ra được các bộ tiêu chí đánh giá lựa chọn xem đối tượng doanh nghiệp nào, đối tượng cá nhân nào là đối tượng được hỗ trợ.
Bộ tiêu chí này phải được công khai rất minh bạch và phải có được khả năng lượng hóa các tiêu chí đó, để cho mỗi một người dân, mỗi một doanh nghiệp căn cứ vào những tiêu chí đó, xem xem mình có đủ tiêu chuẩn, có đúng tiêu chuẩn được hỗ trợ hay không?!
Và khi người ta thấy rằng mình có đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng hỗ trợ thì bản thân những người dân và doanh nghiệp sẽ tự kê khai, tự cung cấp các minh chứng cho những cơ quan phụ trách về các hoạt động cứu trợ này. Ví dụ như doanh nghiệp muốn được vay vốn ngân hàng, muốn được giãn nợ, giảm lãi suất thì nộp hồ sơ đó cho các ngân hàng có quan hệ với doanh nghiệp.
Những ngân hàng này ngay lập tức dựa trên bộ hồ sơ đó sẽ thực hiện ngay các chính sách về ưu đãi nguồn vốn, ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp. Hoặc người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ đó cho cơ quan thuế thì cơ quan thuế dựa vào các thông tin đó, sẽ thực hiện các chính sách như giảm thuế, hoãn thuế, lùi các khoản nghĩa vụ đóng góp, cũng như các cơ quan bảo hiểm xã hội… Khi đấy thì về mặt thủ tục hành chính sẽ không phức tạp, không có gì gọi là xét duyệt – “xin cho”.
Tôi cho rằng chúng ta phải kết hợp một cách đồng bộ các chính sách. Đặc biệt ở đây tôi cho rằng những yếu tố đưa ra là công khai, minh bạch và thông tin đầy đủ thì chúng ta sẽ đảm bảo rằng các biện pháp về hỗ trợ sẽ thực hiện đúng đối tượng và nó không bị trùng lặp.
PV:Xin cảm ơn ông./.
Từ khóa: Covid-19, dịch Covid-19, doanh nghiệp hoạt động, doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN