Dệt may khó tiếp cận thị trường châu Âu
Cập nhật: 25/09/2019
Kinh tế Nhật Bản: “Bão giá” tiêu dùng đang ngày càng mạnh lên
Tăng Phúc bắt tay Bùi Công Nam, mang câu chuyện “Tết này con lớn rồi” vào MV mới
VOV.VN - Nếu không có chiến lược tốt và kế hoạch bài bản thì dệt may Việt Nam sẽ rất khó tiếp cận thị trường EU.
Nguồn cung nguyên phụ liệu là thách thức lớn, không chỉ cho dệt may mà còn với nhiều ngành hàng khác trong việc tận dụng các cơ hội để hưởng ưu đãi thuế. Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm "Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/8 .
Tọa đàm "Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu |
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tạo ra nhiều cơ hội và thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam. Theo đó, thuế quan với tất cả hàng dệt may sẽ được đưa về 0%, đặc biệt, 77% mặt hàng về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Bên cạnh những cơ hội thì EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành dệt may Việt Nam với những yêu cầu mạnh mẽ về cải cách.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang gặp phải nút thắt về nguồn cung thiếu hụt, tức phải đáp ứng quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do này.
Do đó, để tận dụng được cơ hội từ các FTA, Nhà nước, Chính phủ, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp nhằm phát triển phần cung thiếu hụt. Còn với EU, dệt may Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vấn đề nguồn cung nguyên liệu là thách thức không chỉ của ngành dệt may mà còn của nhiều ngành hàng khác. Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được hưởng ưu đãi.
Thực tế, 90% nguyên phụ liệu của Việt Nam đang phải nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định.
“Dệt may không được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất trong tăng trưởng sản lượng hay xuất khẩu sang EU nhưng đây là ngành hưởng lợi nhất từ phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Với những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cũng như trong nhiều hiệp định khác, đây sẽ là động cơ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành dệt và dệt nhuộm ở Việt Nam”, bà Trang cho hay.
Ở một khía cạnh khác, ông Vũ Đức Giang chia sẻ, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào công nghiệp nhuộm vải đang gặp không ít khó khăn từ các địa phương. Theo đó, hàng loạt địa phương đang từ chối các dự án dệt nhuộm vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.
Theo ông Giang, đến nay công nghệ đã khác. Các địa phương quan ngại là do họ chưa nhận thức được đầy đủ về các quy tắc, quy định của FTA. Luật chơi mới là các đối tác, khách hàng đánh giá yêu cầu về môi trường khắt khe hơn địa phương, nếu không tuân thủ điều khoản môi trường, lao động thì sẽ không có đơn hàng. Ông Giang dẫn chứng, với đơn hàng của Nike, họ không chấp nhận doanh nghiệp Việt dùng nồi hơi tập trung, buộc chúng ta phải dùng nồi hơi điện. Để tránh chi phí điện lên quá cao, doanh nghiệp buộc phải lắp điện mặt trời để hạ giá thành.
Ông Lương Hoàng Thái thì cho hay: “EVFTA có chương trình phát triển bền vững, trong đó dẫn chiếu các công ước về môi trường, tiêu chuẩn quốc tế chung mà hai bên phải cam kết thực hiện tốt, nhất là khâu thực thi để triển khai tiêu chuẩn đó. Họ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để chúng ta xây dựng năng lực cho cơ quan thực thi, thay vì chỉ đặt gánh nặng này lên vai doanh nghiệp như trước”./.
Từ khóa: dệt may Việt Nam, thách thức của ngành dệt may, Hiệp định EVFTA, quy tắc xuất xứ từ vải, doanh nghiệp FDI,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN