Đến bao giờ miền Trung mới cơ giới hóa khi đồng ruộng manh mún?

Cập nhật: 25/05/2024

VOV.VN - Hiện nay, tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp thấp, chưa đồng đều. Máy móc chỉ xuất hiện nhiều ở khâu làm đất, thu hoạch, trong khi các công đoạn khác như bảo vệ thực vật, gieo sạ, bảo quản… rất ít. Việc đồng ruộng manh mún khiến khâu cơ giới hóa diện rộng khó khả thi.

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thu, tăng giá trị từng thửa ruộng, từ nông dân đến nhà quản lý cần thay đổi tư duy, phá bỏ bờ bao, dồn điển đổi thửa, tăng tỷ lệ cơ giới hóa…

Dưới cái nắng như đổ lửa, ông Phạm Văn Lai ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chăm chú đứng nhìn xuống máy sạ cụm của một doanh nghiệp ở TP.HCM đem ra trình diễn trên đồng ruộng của mình. Máy chạy đến đâu thì sạ lúa tới đó, ở trên thì một thanh niên điều khiển thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật quanh ruộng. Những thiết bị hiện đại khiến ông Lai mê mẩn. Ông Phạm Văn Lai cho biết, nhìn thiết bị cơ giới hiện đại này bà con mê quá, giá như hợp tác xã có 1 cái thì làm ruộng nhàn biết bao nhiêu.

“Quá tuyệt vời, công nghệ như vầy dân mình mới đỡ. Nếu mình dùng cơ giới hóa hết thì nông dân mới đỡ và rất khỏe, đem lại nguồn thu nhập rất cao. Xưa kia chúng tôi cào bừa làm cực khổ, bây giờ công nghệ hết, cơ giới hóa hết, nhanh, gọn mà đem lại năng suất cao. Mong muốn hợp tác xã có công nghệ này cho người dân khỏe” - ông Phạm Văn Lai nói.

 Nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc dồn điển đổi thửa, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp, nhất là trong trồng lúa, hoa màu. Từ năm 2011 đến nay, số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Cụ thể, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30% và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.

Trong gieo trồng lúa, tỷ lệ cơ giới hóa giai đoạn 2008-2023 có sự cải thiện từ khâu làm đất đến gieo sạ. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa đưa giá trị gia tăng toàn ngành bình quân đạt từ 2-3%/năm. Nếu như năm 2010, năng suất lao động bình quân của người lao động đạt 16, 6 triệu đồng thì đến năm 2020 đã tăng lên 52,7 triệu đồng, tăng 3,17 lần.

Tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tỷ lệ cơ giớ hóa ở các địa phương có nhưng không đều ở các khâu. Đơn cử, hiện nay, 100% các địa phương ứng dụng máy móc thiết bị trong khâu làm đất; khâu thu hoạch thì có tới 90% sử ứng máy gặt đập liên hợp. Tuy nhiên, các khâu khác thì lại thấp, ví dụ như tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị trong gieo sạ chỉ chiếm khoảng 10% tổng diện tích gieo sạ toàn vùng; khâu bón phân và phòng trừ sâu bệnh đa phần nông dân vẫn bón phân bằng biện pháp thủ công.

Quảng Ngãi là địa phương sớm thực hiện chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp gắn với quá trình chuyển dịch cơ kinh tế gắn với phân công lại lao động ở khu vực nông thôn. Đến nay, Quảng Ngãi đã thực hiện dồn điền đổi thửa và xây dựng được gần 290 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 5.400 ha. Tuy vậy, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất còn rất thấp. Toàn tỉnh có hơn 3.600 máy làm đất và gần 1.400 máy phun thuốc bảo vệ thực vật và cũng có chưa tới 1000 máy gặt đập liên hợp, những con số khiên tốn so với các địa phương khác trong cả nước.

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, đây là nhiệm vụ khó mà địa phương phải dồn lực trong những năm tới: “Thực trạng của tỉnh Quảng Ngãi là diện tích thì manh mún, nhỏ lẻ. Phải phá bờ, liền vùng, liền thửa khi đó cơ giới hóa mới có hiệu quả. Chúng tôi sẽ chọn một số huyện làm điểm khoảng vài trăm ha tiến hành cơ giới hóa để người dân thấy được và tiếp tục tuyên truyền đến giai đoạn 2026-2030 chúng tôi đặt vấn đề trọng tâm cơ giới hóa trong nông nghiệp, đưa nông nghiệp hiệu quả tốt hơn cho người nông dân”.

Tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Nam cũng không cao so với các tỉnh trong khu vực. Địa phương này có diện tích gieo trồng lúa khá lớn, bình quân khoảng 83.000 ha lúa/năm và năng suất bình quân đạt 56,3 tạ/ha, sản lượng đạt 467.000 tấn. Hiện nay, Quảng Nam có tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa rất cao ở khâu làm đất và thu hoạch. Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cấy, bảo quản sau thu hoạch… tỷ lệ cơ giới hóa rất thấp.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: Địa phương đã sớm ban hành các chính sách tập trung dồn điển đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để từng bước nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa.

“Thực trạng của Quảng Nam khâu gieo sạ, áp dụng tiến bộ trong việc phun thuốc và khâu bảo quản sau thu hoạch như lò sấy, đóng gói, sân phơi các loại hiện nay tỷ lệ rất thấp. Chính thực trạng này chúng tôi sẽ tập trung đầu tư cho việc cơ giới hóa cho khâu gieo sạ, phun thuốc và chế biến sau thu hoạch để nâng tỷ lệ cơ giới hóa ở tất cả các khâu trong sản xuất” - ông Nguyễn Xuân Vũ nói.

Giải quyết bài toán cơ giới hóa cho nông nghiệp ở các tỉnh miền Trung không chỉ liên quan đến vốn, nhân lực và các chính sách ưu tiên, hỗ trợ mà còn cả điều kiện về hệ thống hạ tầng… Hiện nay máy móc hiện đại không thiếu, cơ chế tài chính cũng đa dạng. Điều cần thiết là phải có sự liên kết giữa 3 nhà là nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Vấn đề mấu chốt là phải dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là “Chìa khóa” để nâng cao giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và chi phí đầu tư. Năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm sản đến năm 2030. Đến nay, nhiều địa phương đã thí điểm xây dựng mô hình áp dụng cơ giới hóa, thành lập tổ dịch vụ. cơ giới hóa… Riêng đối với khu vực miền Trung, do điều kiện sản xuất manh mún nên việc áp dụng cơ giới hóa khá chậm.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: “Các địa phương nên tổ chức lại việc cơ giới hóa. Người nông dân không thể tự cơ giới hóa được mà phải thông qua hình thức dịch vụ. Phải có 1 thị trường cơ giới hóa, người nông dân tham gia vào thị trường ấy để doanh nghiệp tiếp xúc được người sản xuất. Hiện nay khoảng cách giữa doanh nghiệp dịch vụ cơ giới hóa với người sản xuất còn 1 khoảng cách. Chúng ta phải có 1 hình thức dịch vụ phù hợp, có tổ chức dịch vụ phù hợp. Chính quyền địa phương, ban ngành phải tập trung nghiên cứu để xây dựng trung tâm cơ giới hóa, tổ dịch vụ cơ giới hóa vừa đủ để ứng dụng đồng bộ cho bà con sản xuất trong từng lĩnh vực”.

Từ khóa: cơ giới hóa, miền Trung, cơ giới hóa, đồng ruộng manh mún, dồn điền đổi thửa, nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thành long/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập