Đề xuất ưu đãi thuế cho ngành công nghiệp ô tô để thúc đẩy phát triển

Cập nhật: 23/11/2020

VOV.VN - Các chính sách ưu đãi về thuế, trong đó có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), còn chưa đủ hấp dẫn để thực sự khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Ngày 11/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 377/TB-VPCP nêu kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội sản xuất ô tô VAMA và các doanh nghiệp.

Theo đó, công nghiệp ô tô được xác định có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ giúp hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh - phụ kiện như cơ khí chế tạo, điện, điện tử, tự động hóa... và nhiều ngành dịch vụ liên quan khác, từ đó tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Văn bản nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định vai trò quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi để ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô thông qua các chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn như: chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai... Trong những năm qua, ngành công nghiệp ô tô đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng sản xuất, lắp ráp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa; nhiều doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh mẽ.

Hiện cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, đóng góp lớn cho ngân sách, tạo ra nhiều việc làm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang mở rộng quy mô, tăng công suất, các thương hiệu xe lớn sau một thời gian chỉ nhập khẩu đã quay trở lại sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Đặc biệt, ô tô du lịch thương hiệu Việt do doanh nghiệp trong nước sản xuất đã được thị trường nội địa đón nhận tích cực, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ra đời muộn, tham gia chủ yếu vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu; chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động...

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế, trong đó có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), còn chưa đủ hấp dẫn để thực sự khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đây chính là một trong những nút thắt, ảnh hưởng đến sự phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Cũng theo đánh giá, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi để phát triển. Thị trường trong nước còn dư địa rất lớn với quy mô dân số 100 triệu dân, kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng ngày càng đồng bộ và hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, số lượng những người có mong muốn và khả năng tiêu dùng ô tô tăng nhanh. Thị trường khu vực và quốc tế ở một số phân khúc, một số sản phẩm ô tô, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô là rất tiềm năng.

Do vậy, cần có sự đột phá về các chính sách thuế, tín dụng để tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển. Đây chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, cần điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô hay hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Việc điều chỉnh chính sách thuế, tín dụng có thể tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ là động lực lớn để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, qua đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp và sản phẩm ô tô Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Để thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các chính sách về thuế, tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương cũng chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có nền công nghiệp ô tô phát triển, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển./.

Trước đó, ngày 25/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi. Nghị định có hiệu lực từ 10/7/2020.

Trong đó, có quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Từ khóa: ưu đãi thuế cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, công nghiệp ô tô Việt Nam, thuế đối với ô tô, ưu đãi thuế ô tô, giảm thuế ô tô

Thể loại: Ô tô - Xe máy

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập