Đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Cập nhật: 14/05/2024
VOV.VN - Chính phủ đề xuất Quốc hội quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư.
Chiều 14/5, tại Phiên họp 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách.
Cụ thể, 9 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, trong đó có 7 chính sách hoàn toàn tương tự các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các nghị quyết đặc thù (ở TPHCM, Hà Nội) và 2 chính sách đề xuất mới.
Bên cạnh đó có 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm. Cụ thể có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Đà Nẵng và 5 chính sách đề xuất mới.
Trong 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, đáng chú ý là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Chính phủ cho biết, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do, trong khi đó đây là mô hình kinh tế phổ biến và rất được chú trọng trên thế giới để thúc đẩy thương mại quốc tế và thu hút FDI, nhiều nước đã thành công với mô hình này như Trung Quốc, EU, Singapore, Hàn Quốc...
Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới và kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng đã có sẵn khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dự thảo nghị quyết quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng được phân cấp cho UBND Thành phố.
Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như Khu kinh tế.
Các doanh nghiệp trong Khu thương mại tự do được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan. Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thẩm quyền thực hiện quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, trên các lĩnh vực.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, qua đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 119 và theo Báo cáo của Chính phủ cho thấy các quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh; một số quy định không còn phù hợp thực tiễn. Để tạo tiền đề cho phát triển Thành phố Đà Nẵng thì cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện một bước các cơ chế, chính sách đặc thù cho những năm tiếp theo.
Về thí điểm thành lập khu thương mại tự do, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, đây là chủ trương lớn, cần thiết và cho rằng, đề xuất của Thành phố thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố và của vùng. Đây cũng là mô hình được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ trong dự thảo nghị quyết về một số nội dung: Khái niệm, mô hình tổ chức; Chức năng, nhiệm vụ; Chính sách phát triển và quản lý nhà nước; Phương án phát triển Khu thương mại tự do; Nguồn lực thực hiện; việc đầu tư hạ tầng…; Kết quả đầu ra khi thành lập Khu thương mại tự do, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách và tính lan tỏa vùng miền...
Góp ý vào dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ ủng hộ các chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển Đà Nẵng. Về đề xuất thí điểm Khu thương mại tự do, ông cho biết trước đây Hải Phòng có đề nghị nhưng khi đó chưa rõ nội hàm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu.
“Qua theo dõi dự thảo nghị quyết này thì thấy rằng dù là thí điểm nhưng đã rõ cơ chế, chính sách. Cần thiết ủng hộ cho Đà Nẵng thí điểm. Đã là thí điểm thì không thể cầu toàn, cái nào cũng yêu cầu tròn trịa” – ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.
Nêu ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá thời gian qua Đà Nẵng đã phát triển và nếu có các cơ chế, chính sách đặc thù Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển.
Cho rằng nội dung chính sách đề xuất thí điểm khá rộng, với 2 nhóm, 30 cơ chế, chính sách cụ thể, ông nhấn mạnh cần xác định quan điểm những gì đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh sẽ đưa vào, còn những gì chưa chín, chưa rõ tiếp tục nghiên cứu.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội lưu ý các cơ chế, chính sách phải trọng tâm, trọng điểm, đặc thù riêng, đột phá, hợp lý khả thi và lan tỏa, tác động sâu rộng. Qua đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cũng như góp phần khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
"Đà Nẵng là thành phố trung tâm ở miền Trung, thành phố du lịch - ngành công nghiệp không khói. Có thể Đà Nẵng mong các tỉnh xung quanh làm ra tiền nhưng Đà Nẵng phải biến thành nơi tiêu tiền, thiên đường ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm; khách du lịch đến Đà Nẵng để tiêu tiền. Phát triển dịch vụ là trọng tâm lớn để tăng trưởng...", ông Trần Thanh Mẫn nói.
Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Đà Nẵng luôn năng động, chủ động, sáng tạo phát triển, tuy nhiên thời gian gần đây có phần chững lại. Do vậy, việc nghiên cứu cho phép thực hiện cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù sẽ là cơ hội để Đà Nẵng bứt phá, là “lò xo bật ra và Đà Nẵng phát triển tốt”.
Ông cũng lưu ý Đà Nẵng không còn nhiều dư địa về đất đai nên đang cố gắng cơ cấu lại và những đề xuất như dự thảo là hướng đi tốt.
Về đề xuất khu thương mại tự do, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết cá nhân ông dẫn đầu 1 đoàn đi nghiên cứu ở nước ngoài và "vỡ" ra nhiều thứ. “Các nước đi trước từ lâu và thành công, giờ ta đi sau cũng có lợi thế là cái gì không phù hợp thì tránh, áp dụng những cái phù hợp với Việt Nam. Không làm được thiết chế này thì sắp tới không cạnh tranh được về đầu tư” – ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Được mời phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết Đà Nẵng rất cần động lực mới cho sự phát triển, sau thời gian dài sử dụng động lực đất đai, tự nhiên.
“Thành phố mong được thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị và thành phố đủ điều kiện thực thi được ngay. Các chính sách, cơ chế đặc thù nếu được Quốc hội thông qua, Đà Nẵng đủ điều kiện, nguồn lực, quyết tâm chính trị để cụ thể hoá” – ông Nguyễn Văn Quảng bày tỏ.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
Từ khóa: đà nẵng, phát triển đà nẵng, cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù, khu thương mại tự do Đà Nẵng, Quốc hội, ủy ban thường vụ quốc hội, thành phố đà nẵng
Thể loại: Nội chính
Tác giả: ngọc thành/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN