Đề xuất nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ kinh tế sau dịch corona
Cập nhật: 12/02/2020
Hướng dẫn việc điều chỉnh thiết kế dải phân cách giữa các dự án đường bộ cao tốc
Thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất
VOV.VN - Bộ KHĐT vừa đề xuất Thủ tướng giao NHNN nghiên cứu ngay một số chính sách tín dụng hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh dịch corona diễn biến phức tạp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa có báo cáo gửi thường trực Chính phủ về tác động của dịch corona đến kinh tế - xã hội Việt Nam tính đến ngày 12/2/2020.
Bộ KHĐT cho biết đã liên tục làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, chạy mô mình để đưa ra dự báo sát nhất với tình hình. Từ đó, đưa ra dự báo phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Theo Bộ KHĐT, dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới. Ngoài ra làm đình trệ sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.
Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn và đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ, cơ quan này nhận định.
Kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng đáng kể vì dịch corona. (Ảnh minh họa) |
Bộ KHĐT nhận định, dù lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch corona, nhưng nếu khống chế được dịch tả lợn châu Phi và chăn nuôi lợn hồi phục thì mức tăng trưởng ngành chăn nuôi sẽ tăng cao trong quý III và quý IV năm nay.
Về đầu tư, Bộ KHĐT nhận định dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều lĩnh vực nên hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn. Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, ngành du lịch và vận tải cũng bị ảnh hưởng nặng nề.Hoạt động kinh doanh nhà hàng trầm lắng do tâm lý người dân ngại đến những nơi đông người.
Trong bối cảnh đó, Bộ KHĐT đánh giá, hoạt động thương mại điện tử, các hoạt động như giáo dục trực tuyến có thể gia tăng.
Các kịch bản tăng trưởng
Theo Bộ KTĐT, trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I ước tính quý I kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II thì ước tính quý II đạt kim ngạch xuất khẩu 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 61 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ KHĐT nhận định: Trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I thì tăng trưởng GDP dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với mục tiêu của Chính phủ. Trong đó quý I, dự báo tăng trưởng đạt 4,52%; quý II tăng 6,08%.
Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với mục tiêu và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I.
Như vậy, mức tăng trưởng kinh tế của năm nay phụ thuộc lớn vào việc khống chế dịch sớm hay muộn.
Đề xuất gói chính sách tín dụng hỗ trợ
Từ thực tế nêu trên, Bộ KHĐT đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch.
Cơ quan này đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Chính sách này cần được báo cáo ngay trong tháng 2/2020.
Ngoài ra, cần có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch. Các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu…
Cần có các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch…
Bộ KHĐT đề xuất có các giải pháp thúc đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số.
Về lâu dài, Bộ KHĐT đề xuất cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân./.
Từ khóa: dịch corona, hỗ trợ tín dụng, Bộ KHĐT, NHNN, tăng trưởng GDP
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN