Đề nghị TP.HCM nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng
Cập nhật: 21/10/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng những mặt hàng không khuyến khích như rượu, bia, thuốc lá... Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng này không chỉ góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM mà còn góp phần định hướng tiêu dùng.
Sáng nay (21/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2018, UBND Thành phố đã xây dựng đề án thí điểm tăng mức thu thuế Bảo vệ môi trường thông qua giá xăng trên địa bàn. Theo đó, đề xuất mức tăng thuế Bảo vệ môi trường thông qua giá xăng không quá 25% so với mức thuế hiện hành và nằm trong khung mức trần cho phép.
Số thu dự kiến thu được khi ban hành chính sách này khoảng 750 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, ngày 26/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế Bảo vệ môi trường. Theo đó thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng tăng lên 4.000 đồng/lít. Do đó, để tránh việc tăng mức thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thành phố đã dừng các thủ tục đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chính sách tăng thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng trên địa bàn Thành phố.
Năm 2019, UBND Thành phố đã tiến hành thống kê, thu thập số liệu, dự thảo đề cương Đề án xây dựng thí điểm tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia tiêu thụ trên địa bàn. Mức tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt không vượt quá 25% so với mức thuế hiện hành. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; Thành phố đang tiếp tục thực hiện các bước để đánh giá tác động của việc tăng mức thuế này đến hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế của Thành phố. Do đó đến nay, Thành phố chưa thực hiện tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với tăng mức thu phí, lệ phí trong danh mục kèm theo Luật Phí và Lệ phí, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, theo đó mức về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp tăng 5-6 lần so với thu theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP.
Tính từ thời điểm từ ngày 1/7/2018 đến tháng 3/2022, tổng số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp là 132,6 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu phí được nộp 100% vào ngân sách địa phương. Việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thông qua đó, các doanh nghiệp cũng đã áp dụng các giải pháp công nghệ để cải tiến quy trình sản xuất, giảm thiểu lượng nước sử dụng, giảm thiểu lưu lượng nước xả thải ra môi trường.
UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành thường xuyên theo dõi để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành các khoản phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí; điều chỉnh tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Thành phố đã xem xét đề xuất về thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất áp dụng cho tất cả các loại hình đăng ký đất đai thuộc danh mục do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (gồm nhiều loại hình ngoài chuyển nhượng) và thu phí tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại các kho, bãi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Thành phố đã dừng việc xem xét các đề xuất này.
Theo đánh giá của Thành phố, cơ chế này chưa đạt được mục tiêu đề ra, nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời, việc tăng mức, thuế suất, phí, lệ phí cần phải tính toán, đánh giá các tác động đến thu nhập người dân, doanh nghiệp và chính sách thu hút đầu tư của thành phố. Để tăng nguồn lực cho ngân sách Thành phố và định hướng tiêu dùng của người dân, Thành phố vẫn kiến nghị tiếp tục được cho thí điểm nội dung này trong thời gian tới.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm định hướng tiêu dùng
Trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước mặc dù Nghị quyết số 54 đã cho phép Thành phố được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, thông thoáng nhằm tăng cường nguồn lực cho Thành phố. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, qua gần 5 năm thực hiện, nhiều chính sách vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai chưa thực sự hiệu quả.
Cụ thể, về việc thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng tăng lên 4.000 đồng/lít, để tránh ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thành phố đã dừng các thủ tục đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chính sách tăng thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc tăng thuế Bảo vệ môi trường có ý nghĩa không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn có ý nghĩa định hướng sản xuất, tiêu dùng, hướng đến môi trường xanh.
Theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật liên quan, không chỉ mặt hàng xăng, dầu chịu thuế bảo vệ môi trường mà còn nhiều mặt hàng khác như túi ni lông thuộc diện chịu thuế, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng...
Ngoài xăng, dầu có tác động trực tiếp đến kinh tế của người dân, những mặt hàng khác được quy định trong Luật Thuế bảo vệ môi trường là những mặt hàng cần hạn chế sử dụng. Do vậy, đề nghị nghiên cứu để một mặt tận dụng dư địa khai thác nguồn thu, nâng cao ý thức bảo về môi trường nhưng mặt khác không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ cho rằng, việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn; Thành phố đang tiếp tục thực hiện các bước để đánh giá tác động của việc tăng mức thuế này đến hoạt động của doanh nghiệp và kinh tế.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng những mặt hàng không khuyến khích như rượu, bia, thuốc lá... Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng này không chỉ góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Thành phố mà còn góp phần định hướng tiêu dùng, giảm bớt gánh nặng xã hội về y tế, tệ nạn xã hội. Vì vậy, vẫn có thể nghiên cứu, áp dụng chính sách này trong thời gian tới.
Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành với việc tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như trên và đồng thời đề nghị tiếp tục, nghiên cứu, rà soát, có các chính sách phù hợp đối với phí, lệ phí, trong đó có phí giao thông như mục tiêu ban đầu đề ra.
Bên cạnh đó, khi trình thông qua Nghị quyết số 54, tại Báo cáo đánh giá tác động đã nhận định về sự cần thiết thu phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông nhằm "góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, dự kiến tăng các loại phí sẽ góp phần điều tiết lưu lượng người, phương tiện giao thông, mật độ sinh sống trên Thành phố, đặc biệt là các vùng nội đô, qua đó giảm tình trạng ùn tắc giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công cộng nói chung”. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện cho thấy, chính sách này (như thu phí dừng, đỗ xe ô tô) chưa được Thành phố triển khai hiệu quả./.
Từ khóa: TP.HCM nghiên cứu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xăng dầu, tăng thuế mặt hàng đặc biệt, xăng dầu
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN