Để đạt tăng trưởng hai con số cần khơi thông các nguồn lực
Cập nhật: 16 giờ trước
VOV.VN - Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp đột phá như hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời có giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững.
Đây là những nội dung được nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 với chủ đề “Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới” diễn ra chiều 7/1.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức và doanh nhân trong xây dựng đất nước thời gian qua, đồng thời sẽ tiếp thu những ý kiến để hoàn thiện những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo, phấn đấu đạt được tăng trưởng 2 con số, nhưng phải bền vững. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các giải pháp để thực hiện các đột phá về hoàn thiện thể chế; dồn nguồn lực để đầu tư hạ tầng; đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Trong ba đột phá, có đột phá về nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng tôi tập trung các giải pháp để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ nhất và sát với thực tiễn nhất, để theo kịp với nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới. Trong ba đột phá có sự đột phá về công nghệ, liên quan đến làm chủ công nghệ. Muốn làm chủ được công nghệ thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, phải có sự chuyển giao công nghệ. Đây cũng là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất của tăng trưởng trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là mức tăng trưởng GDP rất ấn tượng 7,09% trong năm 2024, các đại biểu cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để bước vào thời kỳ tăng trưởng cao.
Phân tích những điểm tích cực và hạn chế, vướng mắc hiện tại của các nguồn lực, động lực tăng trưởng truyền thống, các chuyên gia kinh tế đề xuất nhiều giải pháp để vừa phát huy được những cơ hội, vừa xoay chuyển, hóa giải được các thách thức, tạo sức bật, tạo nền tảng ổn định, làm điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới.
Nhấn mạnh về giải pháp quản lý thuế và kích cầu nội địa, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng: “Để kích cầu tiêu dùng trong nước và tăng trưởng GDP là người dân Việt Nam phải chi tiêu hàng hóa, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, chứ nếu chi tiêu hàng hóa nhập khẩu, nhất là dịch vụ nhập khẩu thì vô hình chung sẽ làm giảm GDP. Bên cạnh đó, phải có chính sách tăng thu nhập của hộ gia đình, từ đó, mới kích cầu được tiêu dùng. Về chính sách thuế để người dân có thêm điều kiện chi tiêu, có thể áp dụng cho từng lớp dân cư, như lớp thu nhập thấp, thu nhập trung bình và tầng lớp thu nhập cao”.
Đối với doanh nghiệp, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia là rất quan trọng. Các doanh nghiệp của nước ta cũng cần đa dạng hóa thị trường, để hạn chế rủi ro.
“Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng thì ngay trong khu vực ASEAN là nền tảng, là bệ phóng để hàng hóa của ta xuất khẩu ra bên ngoài. Chúng ta cũng có nhiều FTA chất lượng cao mà chưa khai thác hết. Việc tìm những thị trường mới, cơ hội mới là cần thiết và thị trường châu Âu là rất quan trọng”, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu ý kiến.
Các đại biểu cũng phân tích lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và khẳng định đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một vấn đề được đặt ra là cần có giải pháp đột phá trong ngắn hạn và trung hạn nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế mới có tính đột phá hơn nhằm khai phóng các nguồn lực, động lực mới, tạo sức bật cho Việt Nam bước vào thời kỳ tăng trưởng cao, tăng trưởng bao trùm. Trong đó có các nguồn lực, động lực từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Nếu như trước đây đã có những động lực, nhưng bị ảnh hưởng, không chạy hết công suất của nền kinh tế thì chúng ta thêm một động cơ bên phải là chuyển đổi số, bên trái là chuyển đổi xanh thì sẽ giúp cộng thêm được 1-2% nữa thì tăng trưởng 2 con số là có thể đạt được”, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Từ khóa: tăng trưởng, tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng bền vững, GDP
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thành trung/vov1
Nguồn tin: VOVVN