Để ẩm thực Việt trở thành thương hiệu quốc gia
Cập nhật: 11/10/2023
VOV.VN - Trong hơn 3.000 món ăn Việt, nhiều món được quốc tế biết đến như phở, bánh mì…Mặc dù ẩm thực Việt Nam có tính đặc trưng cao nhưng vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới lại chưa xứng thực lực. Cần làm gì để ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia?
Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, văn hóa ẩm thực có một vị trí đặc biệt quan trọng, đó chính là di sản đã được hình thành, lưu giữ và truyền nối qua các thế hệ. Ẩm thực thể hiện trình độ văn hóa của dân tộc qua phép tắc, cách xử sự trong ăn uống… là nét đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần, là hồn cốt dân tộc. Nói một cách khác, văn hóa ẩm thực là một phần không thể thiếu tạo nên thương hiệu quốc gia.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển của du lịch và hội nhập quốc tế, ẩm thực Việt Nam đang dần có những dấu ấn trên “bản đồ ẩm thực” thế giới. Trong đó, nhiều món ngon đã tạo được thương hiệu với du khách quốc tế. Vào cuối năm 2022, Giải thưởng Ẩm thực Thế giới (thuộc hệ thống Giải thưởng Du lịch Thế giới World Travel Awards) - đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022”, vượt qua các tên tuổi khác trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... Đây là giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh và khen thưởng sự xuất sắc trong ngành ẩm thực hàng năm.
Bên cạnh đó, nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch ẩm thực nổi tiếng thế giới cũng đã dành những bài viết ca ngợi ẩm thực ở Việt Nam. Hồi đầu năm 2023, chuyên trang du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã vinh danh Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hàng đầu châu Á trong danh sách Bucket List Places in Asia năm 2023, đặc biệt là ẩm thực đường phố. Còn chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) cũng công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thức hấp dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam vinh dự đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách bình chọn từ độc giả.
Còn chuyên trang du lịch Traveller của Australia đã đề xuất bánh cuốn của Việt Nam là 1 trong 10 món ăn hấp dẫn mà du khách cần thưởng thức trong năm 2023. Trước đó, Phở Việt Nam còn được tôn vinh trên công cụ tìm kiếm Google Doodle vào ngày 12/12/2021. Doodle phở xuất hiện trên trang chủ của Google ở 20 quốc gia bao gồm Việt Nam, Anh, Mỹ, Canada, Israel, Áo… Các món ăn được du khách quốc tế mách nhau nên thử khi tới Việt Nam gồm phở, bánh mì, bánh cuốn, nem rán, cơm rang, cơm tấm và bún bò Huế…
Theo chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch CLB Nhà báo nữ, Hội Nhà báo Việt Nam, đây là những tín hiệu vui, làm nao nức giới đầu bếp và tôn thêm lòng tự hào của người Việt. “Những sự kiện, ghi nhận của bạn bè quốc tế thêm một lần nữa tô thêm chấm son đỏ của văn hóa ẩm thực Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới dù rằng chấm son đó còn nhỏ bé” – Nhà báo Tuyết Nhung bày tỏ.
Những tín hiệu vui đã có, tiềm năng cũng có nhiều, nguyên liệu rất phong phú, đa dạng, lại mang tính đặc trưng cao. Thế nhưng, vị thế của ẩm thực Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới lại chưa xứng với thực lực và tiềm năng vốn có. Thực tế, khi nhắc đến ẩm thực Châu Á người ta hay nhớ đến những món ăn của Nhật, Ấn Độ và Trung Quốc, còn trong khu vực Đông Nam Á thì món ăn Thái Lan là nổi trội. Một số món của Việt Nam được du khách biết đến như phở, bánh mỳ, nem, cơm rang, bún bò Huế… nhưng vẫn còn quá ít so với những gì ẩm thực Việt đang sở hữu.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên nhân khiến ẩm thực Việt lại chưa phổ biến, chưa xuất hiện nhiều ở các quốc gia khác có khá nhiều lý do: “Điều đầu tiên phải kể đến là với những món ăn đặc trưng của Việt Nam thì đa phần là các món thưởng thức tại chỗ như phở, bún bò Huế, nem…đều phải ăn khi còn nóng, kèm theo gia vị tươi, cách thức chế biến cầu kỳ. Nguyên nhân thứ hai là chúng ta chưa có một nền công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh. Thứ ba là việc tuyên truyền, quảng bá về ẩm thực cũng chưa được chú trọng thực sự”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chúng ta cần nhận diện rõ những cơ hội và những thách thức để phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực trong tiến trình phát triển. Văn hóa ẩm thực Việt Nam là “mỏ vàng” để phát triển du lịch nói riêng, quảng bá văn hóa quốc gia nói chung với bạn bè quốc tế. Nhưng, để khai thác “mỏ vàng” này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đầu bếp Dương Văn Phương, Phó Chủ tịch Hội Đầu bếp Hoàng gia Việt Nam cho rằng: “Ẩm thực Việt hết sức phong phú và có nhiều đặc trưng. Để bảo vệ và phát huy giá trị ẩm thực Việt, chúng ta cần chú trọng quan tâm đến việc xây dựng hồ sơ cho các món ăn tiêu biểu của Việt Nam để UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Điều này vừa góp phần bảo tồn, lưu truyền món ăn, vừa bảo vệ thương hiệu món ăn của Việt Nam. Thứ hai là cần khuyến khích các hội, nhóm, CLB nghề đầu bếp là một cách để phát triển và quảng bá văn hóa ẩm thực Việt”
Nhà báo Nick M. (Mai Như Ngọc), người có nhiều năm theo dõi nghiên cứu, phê bình về nghệ thuật điện ảnh cho rằng, cần đẩy mạnh quảng bá ẩm thực Việt trên phim ảnh vì đây là một kênh hết sức hữu hiệu. Anh ví dụ “Khi xem phim Hàn Quốc, chúng ta thấy là chỉ một phân cảnh đặc tả nhân vật chính ăn một loại mì gói là đã nâng tầm món ăn đó lên rồi. Chỉ một cảnh rất đơn giản đó thôi nhưng khán giả sau khi xem phim xong sẽ đổ xô đi mua món mì gói đó để thưởng thức. Việt Nam với nền ẩm thực rất phong phú có thể học hỏi cách quảng bá này, chúng ta có thể khai thác ẩm thực từng vùng miền trong các bộ phim. Tôi nghĩ là một cách hữu hiệu”.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, cần phải đẩy mạnh quảng bá các món ăn đặc sắc của Việt Nam, khuyến khích lan tỏa ẩm thực Việt trên các nền tảng số và mạng xã hội. Cùng với đó, hiện tại Việt Nam có khoảng 150.000 nhà hàng, quán ăn ở nước ngoài. Nếu có cơ chế phát huy, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân mở các nhà hàng, quán ăn tại nước ngoài cũng là một cách lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt ra với bạn bè quốc tế.
Đáng mừng là gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã có nhiều hoạt động góp phần quảng bá, tôn vinh ẩm thực Việt. Mới đây, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã tổ chức trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”. Cũng trong khuôn khổ đề án này, VCCA tiến hành xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và thực hiện chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”. Theo nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, những hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam, tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua ẩm thực. Để từng bước hiện thực hóa giấc mơ này, chúng ta có nên làm từng bước, tập trung xây dựng thương hiệu cho 1 số món tiêu biểu để tạo thương hiệu.
Trong suốt hơn 30 năm làm báo của mình, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đã dành tâm huyết cho văn hóa và ẩm thực. Mới đây bà cho ra mắt cuốn sách “Hà thành hương xưa vị cũ” về ẩm thực Hà Nội. Theo bà, để những nét tinh hoa ẩm thực Việt lan tỏa rộng rãi, cùng với chú trọng tôn vinh các món ăn, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng thời lượng các chương trình về ẩm thực. Hơn nữa, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi thực khách cũng cần có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, quáng bá ẩm thực của quê hương mình.
Văn hóa ẩm thực hay cụ thể là các món ăn còn đại diện cho văn hóa, nét sinh hoạt, ứng xử, phong thái và hồn cốt của mỗi quốc gia. Việt Nam có hơn 3.000 món ăn, đa dạng và đặc sắc không thua kém những kinh đô ẩm thực thế giới như Thái Lan, Trung Quốc... Hơn thế, ẩm thực Việt còn chinh phục thực khách khắp nơi trên thế giới bởi sự tinh tế, hài hòa dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Chúng ta đang phấn đấu để trở thành “bếp ăn của thế giới”. Giấc mơ này có trở thành hiện thực hay không, có lẽ chỉ còn phụ thuộc vào quyết tâm của chúng ta.
Từ khóa: ẩm thực, việt, thương hiệu, quốc gia, món ăn việt, bánh mì, phở
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: thu hà/vov2
Nguồn tin: VOVVN