ĐBSCL với trọng trách an ninh lương thực và bảo vệ môi trường

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Với sự quan tâm, đầu tư, vùng ĐBSCL đã đóng góp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và 60% sản lượng thủy sản, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong hai bài viết trước của loạt bài “Nâng tầm vị thế nông sản vùng ĐBSCL trong hội nhập quốc tế” nhóm phóng viên Đài TNVN – khu vực ĐBSCL đã nêu rõ sự thay đổi của người dân trong sản xuất nông nghiệp, cùng với đó là các cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp vùng ĐBSCL trong suốt thời gian qua. Với sự quan tâm, đầu tư, khu vực này đã đóng góp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và 60% sản lượng thủy sản, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL cũng đang đứng trước thách của biến đổi khí hậu, sự biến động của thị trường khi chiến lược xuất khẩu chưa bền vững. Cùng với đó, một số mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún.

Trong phần cuối của loạt bài chúng tôi sẽ làm rõ các vấn đề đặt ra để nông nghiệp ĐBSCL thực sự là bệ đỡ, là điểm tựa vững chắc. Trong đó, điểm nhấn là phải có chiến lược rõ ràng, xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh.

Nông sản vùng ĐBSCL đã thẳng tiến vào các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, EU, Trung Quốc cùng một số nước châu Phi. Tuy nhiên trên thực tế quy mô sản xuất chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết với doanh nghiệp, điều này đã ảnh hưởng tới xây dựng thương hiệu của nông sản Việt Nam trong xuất khẩu. Chính vì vậy, liên kết hợp tác giữa người dân và HTX, doanh nghiệp được xem là bài toán then chốt để khẳng định nông sản của vùng.

Với diện tích canh tác hơn 320 ha cùng 40 hộ dân tham gia, HTX Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ đang áp dụng quy trình canh tác lúa theo hướng bền vững, giảm 50% lượng giống gieo sạ, 30% phân bón, 30% thuốc bảo vệ thực vật và giảm 50% lượng nước tưới.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX cho biết, hiệu quả từ mô hình rất rõ, người mong muốn tiếp tục thực hiện quy trình canh tác để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

“Khi chúng tôi áp dụng khoa học kỹ thuật thì giảm được giống, giảm phân bón, thuốc trừ sâu. Chúng tôi thấy khi thực hiện Đề án này sẽ đem lại hiệu quả. Ngày xưa làm theo tập quán cũ phải ra đồng để làm cỏ vì sạ dày. Nhưng từ khi sạ thưa không phải ra đồng thì chúng tôi ở nhà làm những công việc khác, tăng thu nhập cho gia đình”, ông Huấn chia sẻ thêm.

Vùng ĐBSCL có hơn 2.700 HTX nông nghiệp, hiện nay Bộ NN&MT đang tập trung nâng cao năng lực cho 620 HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị và gần 200.000 hộ dân trong thực hiện Đề án 1 triệu ha. Cùng với đó, tập huấn về quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải, xử lý phụ phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn, kết nối thị trường, sản xuất kinh doanh lúa gạo gắn với tăng trưởng xanh.

Theo TS Trần Minh Hải, Phó Chủ tịch hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, hiện nay có khoảng 52% các HTX ở vùng ĐBSCL đạt tốt và khá. Tuy nhiên số lượng thành viên HTX vẫn ít, điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động và nguồn lực của HTX trong liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Chính vì vậy, để nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững cần liên kết giữa hợp tác xã, người dân, doanh nghiệp để tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng.

“Phải có được những HTX đủ mạnh, đủ bản lĩnh để tổ chức dịch vụ mua chung, bán chung và dịch vụ tổ chức sản xuất. HTX làm đại diện để liên kết với doanh nghiệp thì một trong những tiêu chí của đề án ở đây là phải là 100 % các HTX trong diện tích này là liên kết với doanh nghiệp. Như vậy, xu hướng chúng ta phát triển HTX sắp tới là chúng ta phải tăng số lượng thành viên trên HTX, có thể thành viên chính thức hoặc liên kết”, TS Trần Minh Hải nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến toàn cầu cũng như ĐBSCL đang đứng trước những tác động như: Mực nước biển dâng, mặn xâm nhập, hạn hán, lũ lụt, triều cường, bồi lắng cửa sông… khu vực này cũng đang từng ngày, từng giờ chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Trước hiện trạng này, nhiều giải pháp đã được ban hành; từ sách lược của Đảng, Nhà nước với Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến những nghiên cứu chuyên gia, nhà khoa học, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, sự hợp tác của doanh nghiệp, sự chủ động người dân. Từ đó, biến thách thức thành cơ hội, thay đổi tư duy sản xuất, đưa ĐBSCL ngày càng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, trong triển khai Đề án 1 triệu hecta, Cần Thơ dự kiến đầu tư tầng kỹ thuật, thủy lợi với khoảng 34 triệu USD, tương đương hơn 800 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố tăng cường đầu tư hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước, đáp ứng yêu cầu trong canh tác.

“Ưu tiên tăng cường bổ sung nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống thủy lợi trong nông nghiệp, nhất là vùng đang triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha. Chúng tôi cho rằng hệ thống thủy lợi tốt thì chúng ta chủ động được nguồn nước và kiểm soát tốt lượng nước trên diện tích tham gia Đề án”, ông Hè nhấn mạnh.

Trong nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thì phần lớn đến từ vùng ĐBSCL với các mặt hàng lúa gạo, trái cây, thủy sản. Tuy có nhiều thế mạnh về xuất khẩu nhưng vùng vẫn được nhìn nhận phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh. Cùng với đó, vùng ĐBSCL đang đối diện với những thách thức từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, mặn xâm nhập.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam, để vùng ĐBSCL phát triển bền vững giải pháp quan trọng là liên kết. Nếu liên kết bền vững sẽ giúp nông sản ổn định đầu ra, doanh nghiệp an tâm về vùng nguyên liệu để phát triển bền vững.

Hiện nay Bộ NN&MT đang khuyến khích người dân sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Bộ NN&MT đang triển khai, nhân rộng Đề án 1 triệu ha lúa đang triển khai ở vùng ĐBSCL. Đây là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp quy mô cấp Chính phủ.

“Đây là một trong những Đề án đột phá, đảm bảo an ninh lương thực của Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Như vậy thì các cơ chế trọng tâm đã gần như là đã hoàn thành. Đó là hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn Ngân hàng thế giới và nguồn vốn trong nước. Thứ hai là cơ chế tín dụng thì đã được thống nhất. Chúng tôi xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để triển khai đến các địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Nông sản vùng ĐBSCL đã tham gia vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, khi tận dụng tốt các hiệp định FTA mà Việt Nam đã đàm phán và ký kết thương mại với đối tác. Tuy nhiên, việc triển khai, xúc tiến thương mại vẫn đang thiếu đồng bộ, nhiều doanh nghiệp còn thụ động trong xúc tiến thương mại, điều này đã ảnh hưởng đến nắm bắt thị trường, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, khả năng tiếp cận xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến xuất khẩu của các doanh nghiệp, địa phương trong vùng ĐBSCL được quan tâm, triển khai quyết liệt, đã có nhiều doanh nghiệp xâm nhập vào các thị trường khó tính. Trong thời gian tới các doanh nghiệp cần tiếp tục xúc tiến thương mại ở các thị trường như trọng điểm như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Nam Phi, Trung Quốc. Cùng với đó, thay đổi phương thức xúc tiến trên môi trường số nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cho hàng xuất khẩu.

“Từ Đề án 1 triệu ha lúa gạo phát thải thấp chúng ta có thể nghiên cứu tính toán đến việc là xây dựng những thương hiệu của những nhóm ngành, sản phẩm khác dừa, tôm, cá. Chúng ta phải tính đến chuyện có những hội chợ quốc tế, hội chợ trong nước mang tính vùng, quy mô vùng và đề xuất xây dựng cơ chế hợp tác trong xúc tiến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho nhóm ngành hàng của vùng”, ông Phú chia sẻ thêm.

Vùng ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản quan trọng của Việt Nam; giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong nửa thập kỷ qua, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự thay đổi tư duy của người dân, sự liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp của vùng, đưa vùng ĐBSCL trở thành vùng đất trù phú, giàu tiềm năng phát triển về nông nghiệp, công nghiệp.

Với sự quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và các cơ chế, chính sách vào tam nông đã giúp cho nông sản của vùng ĐBSCL cạnh tranh, khẳng định vai trò, vị thế nông nghiệp của Việt Nam trên thị trường thế giới. Từ đó, hình thành các mô hình chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, giá trị mang lại cao, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, người dân ĐBSCL từng bước chủ động vượt qua thách thức và phát triển một cách hài hòa, thuận thiên. Sản xuất nông nghiệp của cả vùng ngàng càng khẳng định vai trò, vị thế "trụ đỡ"; đồng thời đang đẩy nhanh quá trình thích ứng với xu thế thay đổi, xu hướng xanh hóa với toàn cầu.

Cần Thơ đã tập huấn cho các hộ dân trên địa bàn nắm vững quy trình canh tác theo đề án.JPG

Cuộc cách mạng cho cây lúa ĐBSCL trong kỷ nguyên mới

VOV.VN - Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu. Đề án hết sức ý nghĩa với nông dân vùng Châu thổ Cửu Long, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Từ khóa: ĐBSCL, vùng ĐBSCL,lúa gạo,liên kết sản xuất - tiêu thụ,giảm phát thải khí,tín dụng ngân hàng,thương hiệu gạo Việt Nam,bảo vệ môi trường,đề án 1 triệu ha lúa

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: phạm hải-thanh tùng/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập