ĐBQH kiến nghị làm rõ lý do không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động
Cập nhật: 27/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Thảo luận tình hình KT-XH, đại biểu Quốc hội lo ngại về chỉ tiêu tăng năng suất lao động thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Đại biểu kiến nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn thực trạng nhằm làm rõ nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu, đồng thời cần nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể để cải thiện
Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội sáng 27/10, nhấn mạnh, năm 2022 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển KT-XH. Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước), chất lượng, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững, nợ đọng thuế có xu hướng tăng, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, an ninh trật tự, an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp.
Cần làm rõ vì sao không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động
Đại biểu đặc biệt lo ngại về chỉ tiêu tăng năng suất lao động dự kiến chỉ đạt 4,7-5,2% thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Bởi theo đại biểu, đây là chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nhanh, bền vững đất nước. Mức tăng này theo đại biểu Phan Viết Lượng, không chỉ thấp hơn giai đoạn vừa qua mà còn khó thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.
Nhấn mạnh, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động nhưng đại biểu Lượng cho rằng hiện nay nguồn nhân lực của ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, chất lượng tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ước đạt 27% trong khi nhiều nước trong khu vực đạt trên 50%. Trong khi, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, việc làm chủ công nghệ còn thấp hơn các nước.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể, nỗ lực lớn hơn trong việc cải thiện năng suất lao động. Đại biểu kiến nghị Chính phủ có đánh giá kỹ lưỡng hơn thực trạng tình hình nhằm làm rõ nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu, quyết liệt chỉ đạo có giải pháp hiệu quả, tạo đột phá về tăng năng suất lao động trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế xã hội đất nước. Theo đại biểu, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, sớm khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn như hiện nay.
Điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được tháo gỡ
Về những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) bức xúc khi công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn là "điểm nghẽn" nhiều năm qua chưa được khắc phục triệt để, nhiều khả năng không đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra.
Theo đại biểu, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này rất quyết liệt nhưng kết quả báo cáo cho thấy rõ ràng kỷ luật, kỷ cương đầu tư công chưa thực sự nghiêm. Vì thế, đại biểu cho rằng, thời gian tới, cần phát huy trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị gắn với quản lý khoa học, nhất là người đứng đầu nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; các ngành, các địa phương cần chủ động nắm chắc những vướng mắc trong cơ chế tháo gỡ theo thẩm quyền kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng, những vấn đề vượt thẩm quyền đảm bảo cho việc hấp thụ vốn đầu tư công một cách hiệu quả nhất.
Cùng chung sự lo ngại về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) còn cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm với tỷ lệ thấp, cùng với đó, giải ngân vốn ODA cũng có tỷ lệ quá thấp. 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến nay tỷ lệ giải ngân không đáng kể, chủ yếu mới giải ngân phần vốn của địa phương; giải ngân vốn, chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cũng còn chậm.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, giảm việc chi chuyển nguồn vốn ngân sách nhà nước từ năm trước sang năm sau. Xu hướng này đang có dấu hiệu gia tăng những năm gần đây, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn./.
Từ khóa: thảo luận kinh tế xã hội, chỉ tiêu tăng năng suất lao động không đạt kế hoạch, cải thiện năng suất lao động
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN