Đẩy mạnh xuất khẩu nông thủy sản Việt bằng chất lượng và thương hiệu
Cập nhật: 26/06/2020
Đồng Nai gặp khó khi di dời khu công nghiệp lâu đời nhất cả nước
Người trồng mía ở Trà Vinh phấn khởi, doanh nghiệp lo không đủ nguyên liệu
VOV.VN - Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, buộc phải nâng cao chất lượng nông thủy sản, xây dựng thương hiệu và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu nông thủy sản đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu trị giá trên 1 tỉ USD, như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra…
Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản trên 43 tỷ USD. Tuy nhiên, đến hết tháng 5/2020, con số này mới đạt 15,49 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là ngay từ đầu năm, xuất khẩu nông, thủy sản của nước ta bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại các nước tiêu thụ nông, thủy sản lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật và một số quốc gia châu Âu.
Tọa đàm “Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam” diễn ra sáng 26/6 tại TPHCM. |
Tại tọa đàm “Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam” diễn ra sáng 26/6 tại TPHCM, các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Trong đó, chất lượng hàng hóa phải theo các tiêu chuẩn như Viet GAP, Local GAP…. thì nông thủy sản Việt Nam mới có thể đi nhanh ra thế giới và ổn định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa bằng việc ứng dụng công nghệ trong chế biến và bảo quản sản phẩm.
Việt Nam đang xuất khẩu nhiều nông sản sang Trung Quốc. Thời gian qua, nhiều nông sản của Việt Nam xuất thô qua Trung Quốc gặp khó khăn, nhiều lúc ùn ứ ở cửa khẩu.
Theo các đại biểu, thị trường này hiện đã thay đổi do phía Trung Quốc muốn doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thay vì tiểu ngạch. Họ yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn, chất lượng và hàng hóa phải truy xuất nguồn gốc.
Do đó, ông Vi Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn lưu ý doanh nghiệp khi buôn bán với đối tác nước ngoài phải buôn bán thông qua hợp đồng, tránh tình trạng buôn bán hàng chợ (tiểu ngạch).
“Trung Quốc đang truy xuất nguồn gốc, trước đây chỉ cần dán tem truy xuất trên bao bì. Hiện nay, họ yêu cầu in nội dung truy xuất hàng hóa trên bao bì, việc in doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn nếu lên cửa khẩu mới làm thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và thời gian làm thủ tục ở cửa khẩu”, ông Tường cho biết thêm./.
Từ khóa: nông sản, thủy sản, truy xuất nguồn gốc, nông sản xuất khẩu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN